Cựu chiến binh Phan Văn Thử (1954), quê huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh, hiện ở ấp Bưng Trang, xã Tiến Thành (Đồng Xoài). Cha ông hy sinh tại quê nhà, bà nội và bà ngoại đều là Mẹ Việt Nam anh hùng và ông là thương binh 2/4. Nhưng không vì thế mà ông sống ỷ lại vào chính sách ưu tiên của Nhà nước. Sau nhiều thăng trầm bươn chải, ông đã tạo nên cơ ngơi nhiều tỷ đồng, cuộc sống viên mãn bên vợ hiền, con ngoan, công việc ổn định... Ông là tấm gương sáng về tinh thần làm việc, gia đình mẫu mực, con cháu thảo hiền.
Một lần đi học về, ông bị bọn lính ngụy bắt nạt rồi kẹp cổ đè xuống đất. Ông kể lại chuyện này với ba rồi xin nghỉ học đi bộ đội để được trực tiếp chiến đấu, trừ diệt bọn ác ôn. Cha ông hỏi: “Thứ nhất, còn nhỏ thì học đánh máy chuyển, soạn công văn; thứ hai, học truyền tin trực tiếp ra trận, con chọn hướng nào?”. “Phải ra trận chiến đấu chứ sao ngồi chỗ được ba!” - ông khẳng khái trả lời. Vậy là cha ông sắp xếp đưa ông về Quân khu 9 học cơ yếu vài tháng và trở lại phục vụ đơn vị.
Chăm sóc cây cảnh là thú vui tao nhã của thương binh Phan Văn Thử (bên trái), ấp Bưng Trang, xã Tiến Thành (Đồng Xoài) sau những giờ lao động
Ông Thử cười sảng khoái bật mí: “Ngày đó tui bé, đi bộ đội mà còn ở chung với chị nuôi mà. Nhưng khi tui ra trận thì hăng hái lắm, không biết sợ gì đâu. Vì thiếu người vác máy truyền tin nên gần như trận nào tui cũng tham gia cùng các chú, các anh hết ráo”.
Chính sự nhanh nhẹn, tháo vát mà đồng đội luôn muốn ông cùng tham gia nhiều trận đánh. Trải qua thời gian và được tôi luyện, tham gia nhiều trận đánh đã giúp cậu bé Thử trở thành một chiến sĩ cách mạng kiên cường, gan dạ.
Sau gần 5 năm tham gia các trận đánh, nhiều lần bị thương, gặp phục kích nhưng với ông, trận đánh công đồn Lạc Thạnh, xã Ngụ Lạc, huyện Cầu Ngang để lại ấn tượng mạnh nhất. Trong trận đánh này, một trái lựu đạn phát nổ làm ông đang ôm máy bị té sấp xuống đất và 47 miếng găm khắp người. Đồng đội nghĩ chắc ông chết... Giờ đây, hai miếng trái nổ vẫn còn găm trên tay và đầu của ông. Những khi trái gió, trở trời nó lại nhắc ông nhớ tới kỷ niệm này. “Miếng văng vào đầu cài sâu 4cm, nếu lệch thêm chút nữa là tui “đi” rồi đó. Còn mấy miếng kia chỉ dính vào phần mềm nên lấy ra được...”, với tiếng cười hào sảng, ông vui vẻ cho rằng, mình “cao số”.
Nhưng giọng ông lại chùng xuống khi nhớ về trận đánh mà cả hai cha con cùng tham gia tại Cả Già Trên. “Khi trời chạng vạng, tui đang mang máy ra, ổng (cha ông Thử - PV) gặp liền xoa đầu tôi rồi nói: “Ráng nha con!”. Tui cười nói lại: “Dễ gì ông!” (bọn địch không dễ gì đánh được ông - PV). Rồi ổng móc đưa cho tui điếu thuốc ôm. Ra trận, hai cha con đánh từ hai đầu lại. Đến 9 giờ tối thì cha tôi hy sinh nhưng mãi đến sáng mới cho tôi hay. Vì lúc đó, tôi mà hay thì lấy ai mang máy làm nhiệm vụ thông tin” - ông Thử nhớ lại.
Nghe tin cha mất, ông băng qua sông, qua đồng lúa mặc cho sình lầy kéo lại, mà chỉ căn thẳng để về nhà. “Lúc đó không có cảm giác gì hết, chỉ nghĩ đến cha thôi. Đôi dép bị mắc sình không nhấc nổi chân, tui bỏ luôn... Nhưng chưa kéo cửa mả cho cha thì đơn vị lại mang máy qua nhờ tui đi cùng để đánh đồn địch huyện Cầu Ngang” - ông tiếp dòng cảm xúc.
Thương binh Phan Văn Thử được UBND thị xã Đồng Xoài tặng giấy khen có thành tích tiêu biểu nhân ngày 27-7-2018
Ông hỏi Phó huyện đội trưởng là người chỉ huy trận đánh: “Giờ đánh ở đâu chú, cháu tham gia để trả thù cho ba”; “Mày tham gia thì tao rút trận này về. Vì tao hứa chị Năm (mẹ ông Thử - PV) cho mày vác máy vòng ngoài thôi”. Nhưng trước sự quyết liệt của ông, Phó huyện đội trưởng phải nhượng bộ.
Hẹn 12 giờ mìn nổ thì khoảng 12 giờ 2 phút, một tiếng nổ vang lên, đồn địch chết hơn một nửa, số còn lại quýnh quáng chạy uỳnh uỵch trên nền đất lầy về phía bờ sông. Đơn vị của ông thu được 4-5 khẩu súng.
Ông Thử kể tiếp: “Mỗi ngày mỗi đánh, trận nào cũng có mặt tui, trận nào cũng có người hy sinh nên đêm về cũng có buồn chút nhưng ra trận lại như say thuốc vậy đó, đâu biết sợ là gì”. Có được bản lĩnh như vậy cũng vì nơi ở của ông bà nội ông Thử cũng là căn cứ hoạt động cách mạng. Chính cha ông từng dẫn quân đi giết tên trưởng ấp khét tiếng ác ôn nên ông bà nội bị bọn chúng trả thù dã man: trói, giết rồi thả trôi sông...
Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ông làm việc tại Huyện đội Cầu Ngang. Khi đó, Huyện đội trưởng gợi ý gả con gái duy nhất của mình cho nhưng ông từ chối. Bởi lòng đã thầm thương con gái của ông Bí thư Huyện ủy khi ông đến nhà họp bàn công việc chiến đấu với đồng đội và cô gái tiếp nước, pha trà. Quả là ông có con mắt tinh tường vì đã ở tuổi 60 nhưng bà Phan Thị Tâm - vợ ông, vẫn giữ nét đẹp đoan trang, phúc hậu.
Cưới vợ được 2 năm và đến năm 1977, theo chế độ con trai duy nhất trong gia đình được xuất ngũ, ông ra quân. Để vợ con ở Trà Vinh, một mình ông về Bến Tre, An Giang thuê đất làm ruộng nhưng lụt lội nhiều nên không thể vực dậy cuộc sống vất vả. Đến năm 1990, nghe đồng đội rủ, ông chọn vùng đất Bưng Trang này và định cư đến nay. Bán hết dinh cơ ở quê, ông mua được 1,5 ha điều nhưng bị bệnh nấm hồng chết hết. Trong lúc khó, ông thuê đất trồng dưa “lấy ngắn nuôi dài”. Trúng mùa, ông mở rộng diện tích trồng cao su. “Trời ơi, thời điểm cao su được giá, tui thu 5-6 triệu đồng mỗi ngày đó. Nhờ vậy, tôi mới khá dần, có điều kiện lo cho con ăn học. Giờ các con của tui đã xây dựng gia đình và ở riêng, tui chia thêm rẫy cho con. Còn 4,5 ha cao su quanh nhà, hai vợ chồng dành sinh sống tuổi già” - ông Thử vui vẻ giãi bày.
Vợ chồng bệnh binh Lê Minh Thụ và Võ Thị Hồng là gia đình người có công kiểu mẫu được các cấp, ngành biểu dương nhiều năm liền
Dù có được cơ ngơi nhiều người ngưỡng mộ và khẳng định mình may mắn trở về sau chiến tranh ác liệt nhưng ông Thử vẫn nặng nỗi niềm, nếu sức khỏe không giảm sút nghiêm trọng thì đã làm được nhiều hơn thế. Nhiều dự định phát triển kinh tế, mở rộng ngành nghề không thể thực hiện vì sức khỏe không cho phép. Ông Lê Thanh Hoàn, Phó chủ tịch UBND xã Tiến Thành cho biết: “Điều đáng khâm phục ở ông Phan Văn Thử không chỉ làm kinh tế giỏi mà còn ở lối sống gần gũi, giúp đỡ bà con lối xóm. Ông luôn muốn làm được nhiều hơn nữa việc có ích cho gia đình và xã hội. Khi Tiến Thành phát động nhân dân chung sức xây dựng nông thôn mới, gia đình ông Thử đã cưa khoảng 400 cây cao su trên diện tích hơn 4.000m2 hiến làm đường giao thông, đường điện. Nhờ vậy mà gần 20 hộ dân sống phía trong của ấp mới có đường đi lại thuận lợi và điện sinh hoạt”.
Với bản tính cần cù, năng động trong phát triển kinh tế đem lại hiệu quả cao và gia đình hiếu thuận nên nhiều năm liền, gia đình ông được các cấp chính quyền và hội đoàn thể tặng bằng khen, giấy khen. Ông Thử là tấm gương về sự chịu khó, năng động. Đó cũng là động lực để người dân trong xã Tiến Thành học tập và nhân rộng.
CÔNG DÂN MẪU MỰC
Năm 1989, sau khi nghỉ chế độ mất sức, gia đình bệnh binh 2/3 Lê Minh Thụ và Võ Thị Hồng rời quê hương Nghệ An vào ấp Thuận Thành I, xã Thuận Lợi (Đồng Phú) với mong muốn phát triển kinh tế. Bà Hồng cho biết: “Lúc đó, tôi gom góp tiền mua rẫy để làm nông nghiệp nhưng được nhân dân và chính quyền vận động làm Phó chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã, sau đó làm Chủ tịch UBMTTQVN xã Thuận Lợi và nay là Chủ tịch Hội Người cao tuổi. Thời gian trước do con còn nhỏ, một mình chồng tôi không thể đảm đương hết việc nên gia đình tôi bán rẫy. Từ đó chồng tôi làm Bí thư Chi bộ ấp đến năm 2012 thì nghỉ vì sức khỏe yếu”.
Trong suốt quá trình công tác, ông Thụ và bà Hồng luôn là những đảng viên mẫu mực, cán bộ nhiệt tình và tâm huyết với công việc, được các cấp, các ngành tặng nhiều bằng khen, giấy khen. Niềm vui lớn hơn mà ông bà nhận được đó là sự tin yêu của người dân về lối sống giản dị, biết đặt lợi ích của tập thể lên trên và nuôi dạy con trưởng thành. Ông Phạm Huỳnh Thảo, Phó chủ tịch UBND xã Thuận Lợi cho biết: Anh em trong cơ quan quen gọi bà Võ Thị Hồng bằng “Má” bởi bà rất gần gũi, chan hòa với mọi người. Bà Hồng vừa là tấm gương, là người truyền lửa, vừa hướng dẫn để những người làm công tác cơ sở biết cách gần dân, hiểu dân và phục vụ tốt nhân dân.
Bệnh binh 2/3 Lê Minh Thụ cho biết: “Dẫu sức khỏe yếu nhưng kinh tế gia đình tôi vẫn ổn định, nuôi dạy các con đàng hoàng. Hiện 4 con tôi đều đã có gia đình riêng, chăm chỉ lao động. Vợ chồng tôi được hưởng chế độ của Nhà nước, cuộc sống ổn định nên có thời gian và động lực cống hiến cho xã hội nhiều hơn”.
Ngọc Tú - Phương Dung
Tác giả: Thúy Hà trích dẫn Bình Phước Online
Ý kiến bạn đọc