Từ một cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, nhờ mạnh dạn đầu tư máy móc thiết bị hiện đại có sự hỗ trợ một phần của đề án khuyến công, Doanh nghiệp tư nhân Phóng Lệ ở xã Bình Thắng, huyện Bù Gia Mập đã trở thành một doanh nghiệp sản xuất có uy tín, có thương hiệu và được rất nhiều các doanh nghiệp vừa và nhỏ khác đến trao đổi kinh nghiệm thành công.
Hệ thống nồi hơi này được Doanh nghiệp ứng dụng trong dây chuyền sản xuất chế biến hạt điều cách đây hơn 5 tháng. Với thiết kế hiện đại, nồi hơi có thể tiết kiệm được 70% chi phí nhiên liệu, tức là mỗi ngày Doanh nghiệp chỉ tốn 1/2 khối củi với giá thành khoảng 200 ngàn đồng là có thể vận hành nồi hơi. Với công suất 1000kg/h nên mỗi lần hấp chỉ mất 20 phút được 1,2 tấn hạt và sấy 18 giờ được 1,5 tấn nhân. Trong quá trình vận hành, hệ thống hút bụi, lọc không khí của nồi hơi còn tạo nên môi trường lao động ở đây luôn sạch sẽ, thân thiện và an toàn sức khỏe cho người lao động. Một ưu điểm nữa của hệ thống nồi hơi, chính là tiết kiệm được 50% công lao động. Chỉ cần 3 công nhân cho cả 2 khâu là hấp và sấy sau khi tách nhân điều. Giá nồi hơi được lắp đặt hoàn thiện tại Doanh nghiệp là 440 triệu đồng, trong đó nguồn vốn khuyến công địa phương mà doanh nghiệp được hỗ trợ là 90 triệu đồng. Kể từ lúc có hệ thống này. Doanh nghiệp đã duy trì sản xuất chế biến điều ổn định, giải quyết công ăn việc làm cho hơn 100 công nhân.
Với Doanh nghiệp tư nhân Tuấn Thăng ở thôn 4, xã Đa Kia, thì đề án ứng dụng nồi hơi bằng nguồn hỗ trợ của đề án khuyến công địa phương đã trực tiếp giúp doanh nghiệp thoát khỏi nguy cơ sản xuất đình trệ. Được thành lập từ năm 1998 nhưng do eo hẹp về nguồn vốn nên tất các khâu như sấy, chẻ, bóc vỏ, phân loại hạt điều… của doanh nghiệp đều thực hiện bằng thủ công. Trong đó, hấp nguyên liệu thường là khâu khiến Doanh nghiệp tốn kém nhất. Từ mua nhiên liệu đốt, đến lượng khói nhiều ảnh hưởng ô nhiễm môi trường và đây cũng là khâu chứa nhiều rủi ro nhất khiến cả chủ doanh nghiệp và công nhân luôn cảm thấy lo lắng, bất an.
Trăn trở tìm hướng đi mới cho doanh nghiệp mình, anh Nguyễn Hữu Thăng nhiệt tình tham gia các buổi hội thảo của Hiệp hội điều Bình Phước. Một vấn đề khiến chủ Doanh nghiệp này tâm huyết, đó là phải đổi mới trang thiết bị để có thể sản xuất chế biến hạt điều bền vững, nâng cao chất lượng sản phẩm, khả năng cạnh tranh trên thị trường…Năm 2013, doanh nghiệp Tuấn Thăng đã mạnh dạn đầu tư hệ thống thiết bị nồi hơi trị giá 440 triệu. Khi hệ thống nồi hơi vừa được lắp đặt hoàn thiện, cũng là lúc anh Thăng được thông tin hệ thống trang thiết bị máy móc trong dây chuyền sản xuất chế biến điều này có thể phù hợp với đề án hỗ trợ kinh phí khuyến công. Nắm bắt thời cơ, Doanh nghiệp đã làm đơn xin hỗ trợ, kèm theo đó là Bản thuyết minh đề án, giấy phép kinh doanh… từ đó Doanh nghiệp đã được phê duyệt hỗ trợ 90 triệu đồng từ nguồn kinh phí khuyến công địa phương. Số tiền này tuy chưa thể gọi là lớn, song cũng kịp giúp doanh nghiệp trang trải một phần nguồn nợ vay mượn mua máy. Với công suất 6,5 tấn hạt điều đuợc hấp mỗi ngày đã đảm bảo công ăn việc làm cho 50 lao động, gắn bó với Doanh nghiệp lâu nay.
Từ những đề án trên, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Bình Phước, đã kịp thời đồng hành cùng các doanh nghiệp điều trên địa bàn tỉnh, trong việc ổn định sản xuất, tăng lợi nhuận, tính cạnh tranh trên thị trường và góp phần để sản xuất, chế biến ra những thương phẩm hạt điều đạt theo tiêu chuẩn ISO, HACCP…. Mỗi đề án được triển khai, là thêm một lần khẳng định: Hoạt động khuyến công vẫn luôn giữ vai trò quan trọng trong mối liên kết giữa các chính sách của Nhà nước với các doanh nghiệp, để thực sự đi vào đời sống hợp với ý Đảng, lòng dân.