Ngoài yếu tố sản xuất để phát triển kinh tế và tạo việc làm thì nghề mộc mỹ nghệ gia dụng còn mang đậm yếu tố văn hoá và phần nào còn có những yếu tố tâm linh của người Việt Nam. Chính vì vậy, Nghề mộc mỹ nghệ luôn phát triển song hành cùng với lịch sử văn hóa của các dân tộc. Với nhiều chính sách phù hợp và sự quan tâm của tỉnh cùng nhu cầu thực sự của xã hội, nghề mộc mỹ nghệ gia dụng đã và đang góp phần vào việc bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, tạo việc làm, góp phần xóa đói giảm nghèo, đồng thời đẩy nhanh công nghiệp hóa hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh.
Vị thế của nghề mộc mỹ nghệ gia dụng ở Bình Phước
Theo thống kê năm 2012, diện tích rừng tự nhiên của toàn tỉnh khoảng 60.000 ha. Là tỉnh chuyên canh về cây công nghiệp dài ngày như cao su, điều, mít, cà phê, nhã,...đây là nguồn lấy gỗ tận thu làm nguyên liệu cho sản xuất rất lớn, tạo nguyên liệu khá phong phú phục vụ cho nghề mộc mỹ nghệ của tỉnh phát triển trong thời gian qua.
Tính đến cuối năm 2010, Bình Phước có gần 4 ngàn cơ sở ngành nghề nông thôn. Các nhóm nghề và nghề thủ công chính ở tỉnh Bình Phước hiện nay gồm: Chế biến lương thực, thực phẩm; Sản xuất các loại vật liệu xây dựng; Mây - tre - đan - thêu; Sản xuất ngũ kim, đồ gia dụng, gia công sửa chữa cơ khí; Mộc mỹ nghệ và điêu khắc, chạm khảm và đây là nghề có số lượng nhiều nhất. Theo kết quả khảo sát điều tra năm 2013 trên địa bàn tỉnh hiện có 1360 cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nghề mộc mỹ nghệ gia dụng, được phân bố tại các huyện thị, như sau: Huyện Lộc Ninh 95, Bù Đăng 227, Bù Đốp 144, Đồng Phú 107, Hớn Quản 54, Bù Gia mập 265, Chơn Thành 122, thị xã Bình Long 190, phước Long 62, Đồng Xoài 190.
Từ nhu cầu thực tế của việc bảo tồn và phát triển nghề, góp bảo tồn văn hóa dân tộc, Trung tâm Khuyến công đã tham mưu triển khai các hoạt động để khôi phục và phát triển nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh. Năm 2007-2008 đã triển khai các lớp đào tạo nghề dệt thổ cẩm cho đồng bào dân tộc các xã Thọ Sơn, Đoàn Kết, Bom Bo thuộc huyện Bù Đăng. Năm 2008 triển khai 2 lớp đào tạo nghề mộc mỹ nghệ gia dụng cho Hợp tác xã Đồng Nai, gồm 1 lớp đào tạo nghề và 1 lớp nâng cao với tổng số lao động tham gia là trên 70 học viên. Năm 2009 -2010 mở 2 lớp đào nghề mộc mỹ nghệ gia dụng trên địa bàn huyện Bù Đốp với trên 70 học viên và 1 lớp chạm điêu khắc ở thị trấn An Lộc, Bình long với trên 30 học viên.
Nghề mộc mỹ nghệ gia dụng tồn tại và phát triển là một tất yếu khách quan. Sản phẩm của nghề không đơn thuần mang ý nghĩa kinh tế mà còn có giá trị về Văn hoá - nghệ thuật. Thông qua sản phẩm, nghệ nhân còn truyền dạy cho thế hệ sau về tư duy, nhân cách trong việc việc gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, thể hiện năng khiếu thẩm mỹ, sự thông minh, sáng tạo là nơi gửi gắm tâm hồn, tài năng, tinh thần lao động cần cù của người dân Việt Nam. Bảo tồn và phát triển nghề mộc mỹ nghệ gia dụng là bảo tồn nét đẹp văn hóa truyền thống của các dân tộc, góp phần quảng bá du lịch, thu hút ngoại tệ, tạo công an, việc làm, tăng thu nhập, an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.