Nhằm tạo điều kiện bảo tồn và phát triển nghề dệt thổ cẩm của người đồng bào dân tộc trên địa bàn tỉnh, góp phần khôi phục lại nghề dệt thổ cẩm, giải quyết công ăn việc làm, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo, thực hiện chính sách an sinh xã hội trong đồng bào dân tộc. Bên cạnh hoạt động đào tạo nghề nhằm tạo điều kiện cho các học viên và cơ sở dệt thổ cẩm học tập, trao đổi kinh nghiệm về phương thức sản xuất; phương pháp quản lý, kinh doanh; cách tiếp cận, mở rộng thị trường, tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm thổ cẩm, từ ngày 16/6 đến ngày 20/6/2014, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tổ chức đoàn cán bộ Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện, Phòng Dân tộc huyện Hớn Quản, UBND các xã An Khương, Thanh An và một số thợ dệt thổ cẩm trên địa bàn huyện Hớn Quản đi học tập kinh nghiệm tại tỉnh Đồng Nai và Ninh Thuận.
Đoàn đã được tham quan Nhà trưng bày giới thiệu sản phẩm cũng đồng thời là nơi tập trung làm việc của các thợ dệt thổ cẩm người Châu Mạ tại Ấp 4, xã Tà Lài, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai; và làng nghề dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp tại thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, TP. Phan Rang, tỉnh Ninh Thuận, tại đây có Nhà trưng bày giới thiệu sản phẩm cũng đồng thời là nơi tập trung làm việc của các thợ dệt thổ cẩm người Chăm. Các thợ dệt thổ cẩm của tỉnh Bình Phước đã được tìm hiểu thực tế các sản phẩm, cách thức dệt từ khâu bắt đầu đến khâu hoàn thiện sản phẩm, những cải tiến trong quy trình dệt thổ cẩm, cách đan dệt sợi chỉ theo khung đã được cố định sẵn. Với cách làm này, những người thợ có thể dễ dàng hơn trong các thao tác, giúp tăng năng suất, tiết kiệm thời gian trong quá trình dệt. Đồng thời trao đổi về kinh nghiệm, cách thức sản xuất, quản lý và phương pháp tiếp cận thị trường, tìm đầu ra cho sản phẩm dệt thổ cẩm của tỉnh bạn thông qua việc tham gia các hội chợ triển lãm, đặc biệt là sự kết hợp giữa làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống với ngành du lịch. Sau đợt học tập kinh nghiệm các thợ dệt thổ cẩm trong đoàn đã tiếp thu học hỏi được nhiều kinh nghiệm quý báu để về áp dụng thực tế tại cơ sở mình.
Sau chuyến tham quan học tập kinh nghiệm lần này tạo điều kiện phát triển nghề dệt thổ cẩm của người đồng bào dân tộc Stiêng trên địa bàn tỉnh, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tiếp tục thực hiện các lớp đào tạo nghề dệt thổ cẩm căn bản và nâng cao theo yêu cầu của các cơ sở dệt thổ cẩm, UBND các xã có đồng bào dân tộc ít người sinh sống./.