Tuy nhiên hiện nay các cơ sở chế biến điều phân bố không đồng đều, tỷ lệ các doanh nghiệp lớn không nhiều, phần lớn là các doanh nghiệp có quy mô nhỏ, cơ sở kinh doanh hộ gia đình; Chất lượng sản phẩm chưa cao, sản phẩm không đồng nhất; năng lực quản lý vẫn còn hạn chế, đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý qua đào tạo còn ít; chất lượng lao động làm việc trong các cơ sở chế biến điều hiện nay vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của các cơ sở về số lượng và chất lượng cũng như tác phong công nghiệp; việc ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất tập trung chủ yếu ở các doanh nghiệp có quy mô sản xuất lớn, năng lực tài chính dồi dào. Phần lớn các cơ sở còn lại có quy mô nhỏ, năng lực tài chính còn hạn chế nên: một số cơ sở đã được đầu tư bổ sung nhưng trang thiết bị nhưng chưa đồng bộ; việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn gặp nhiều khó khăn do trình độ tiếp cận của người lao động còn hạn chế, quy mô sản xuất nhỏ nên không tận dụng hết công suất của thiết bị. Các cơ sở chế biến vẫn tập trung chủ yếu ở khâu chế biến thô, rất ít doanh nghiệp đầu tư vào khâu chế biến sâu (tạo sản phẩm cuối cùng để tiêu dùng trực tiếp) do đó lợi nhuận mang lại chưa cao; thương hiệu sản phẩm hiện nay vẫn còn hạn chế, ít doanh nghiệp quan tâm đến khâu quảng bá, xúc tiến thương mại giới thiệu sản phẩm. Đặc biệt là nâng cao chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn ISO, HACCP, GMP đồng thời đăng ký, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu hàng hóa cho nên sản phẩm chưa tạo được chỗ đứng vững chắc trên thị trường thế giới.
Thực hiện Quyết định số 4768/QĐ-BCT ngày 22 tháng 12 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc giao kế hoạch kinh phí khuyến công quốc gia năm 2018, trong đó, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Bình Phước (Trung tâm) được giao thực hiện đề án “Hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh Bình Phước phát triển chế biến hạt điều giai đoạn 2018 – 2020”, với tổng kinh phí thực hiện là là 45,705 tỷ đồng, trong đó: kinh phí khuyến công quốc gia 11,75 tỷ đồng, kinh phí đối ứng của đơn vị thụ hưởng: 33,955 tỷ đồng.
Qua 03 năm triển khai đề án đã hỗ trợ được 40 cơ sở CNNT chế biến điều ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến, hiên đại vào trong sản xuất với tổng kinh phí 10.050 triệu đồng; xây dựng được 02 mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm hạt điều theo công nghệ mới với tổng kinh phí 1.500 triệu đồng; Tổ chức 01 hội thảo nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm trong chế biến điều cho 100 cơ sở CNNT và tổ chức 01 hội nghị tổng kết đánh giá kết quả thực hiện đề án khuyến công điểm 2018-2020 với tổng kinh phí 200 triệu đồng. Các chỉ tiêu của đề án đều đạt hoặc vượt so với kế hoạch đề ra.
Công tác hỗ trợ đã tạo động lực giúp các cơ sở CNNT chế biến điều phát triển mạnh mẽ về quy mô sản xuất và chất lượng sản phẩm được nâng lên rõ rệt, đặc biệt là các cơ sở chế biến sâu (hạt điều thành phẩm) với quy mô còn nhỏ, lẻ sau khi được hỗ trợ đã đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh, đổi mới công nghệ, năng lực quản lý, xây dựng thương hiệu, nâng cao năng lực cạnh tranh, đã từng bước khẳng định được thương hiệu sản phẩm, tạo chỗ đứng trên thị trường trong nước và vươn ra thị trường thế giới góp phần phát triển ngành chế biến điều bền vững. Sự phát triển của ngành điều góp phần tích cực vào sự phát triển công nghiệp nói chung và CNNT nói riêng theo định hướng của tỉnh, tăng giá trị sản xuất công nghiệp và giá trị gia tăng ngành công nghiệp trong GDP của tỉnh; chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp hóa nông thôn, tạo ra nhiều việc làm mới, tăng thu nhập cho lao động, hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới.
Bên cạnh những kết quả đạt được trong quá trình triển khai đề án vẫn còn một số hạn chế như: Các đề án khuyến công hỗ trợ ngành điều chưa được đa dạng hóa, mới tập chung chủ yếu vào lĩnh vực xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị, đào tạo nghề, phát triển sản phẩm; Các cơ sở CNNT chế biến điều thường mang tính tự phát, quy mô hộ gia đình nên hoạt động sản xuất kinh doanh không ổn định, phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu là chính. Mặt khác, ảnh hưởng của giá cả thị trường đối với nguồn nguyên vật liệu đầu vào nên cũng ảnh hưởng phần nào đến quá trình đầu tư của các cơ sở CNNT chế biến điều. Vì vậy một số cơ sở CNNT đăng ký hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công đã không triển khai thực hiện theo kế hoạch đã được phê duyệt; Các cơ sở CNNT thường chỉ tập trung vào sản xuất kinh doanh là chính, tâm lý ngại quan hệ với cơ quan Nhà nước, ngại hồ sơ thủ tục rườm rà vẫn còn phổ biến trong một bộ phận không nhỏ các cơ sở CNNT. Mức độ trao đổi thông tin hai chiều với cơ quan Nhà nước còn thấp. Công tác tuyên truyền chính sách khuyến công ở cấp xã đến các cơ sở sản xuất CNNT vẫn chưa thực sự được chú trọng, nguồn ngân sách cấp cho đề án vẫn chưa đáp ứng so với nhu cầu của các cơ sở CNNT, nhất là hỗ trợ các dự án đầu tư hỗ trợ sản xuất, xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, ứng dụng, cải tiến, đổi mới thiết bị, đổi mới công nghệ vào sản xuất.
Phát huy những kết quả đạt được trong triển khai thực hiện đề án khuyến công quốc gia điểm hỗ trợ phát triển chế biến điều giai đoạn 2018-2020. Sở Công Thương đã chỉ đạo Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Bình Phước xây dựng đề án “Hỗ trợ cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh bình phước đầu tư phát triển chế biến hạt điều giai đoạn 2021-2023” nhằm tiếp tục hỗ trợ các cơ sở CNNT chế biến hạt điều trên địa bàn tỉnh Bình Phước phát triển, thu hút mọi nguồn lực tham gia hoặc hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư vào phát triển ngành điều một cách bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển công nghiệp, đẩy mạnh phát triển CNNT tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn và góp phần xây dựng nông thôn mới./.