Phê duyệt chương trình Khuyến công trên địa bàn tỉnh Bình Phước giai đoạn 2021-2025
Đỗ Viết Giang
2021-03-30T22:58:09-04:00
2021-03-30T22:58:09-04:00
https://khuyencongbinhphuoc.gov.vn/Khuyen-cong/Phe-duyet-chuong-trinh-Khuyen-cong-tren-dia-ban-tinh-Binh-Phuoc-giai-doan-2021-2025-862.html
https://khuyencongbinhphuoc.gov.vn/uploads/news/2021_03/congnghiep.png
Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Bình Phước
https://khuyencongbinhphuoc.gov.vn/uploads/logo-kc.png
Thực hiện Nghị định số 45/2012/NĐ-CP ngày 21 tháng 5 năm 2012 của Chính phủ về khuyến công và Quyết định số 1689/QĐ-UBND ngày 05 tháng 8 năm 2015 của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước về việc phê duyệt Chương trình Khuyến công tỉnh Bình Phước giai đoạn 2016 – 2020, những năm qua hoạt động khuyến công trên địa bàn tỉnh Bình Phước đã đạt được những kết quả quan trọng, động viên và huy động được các nguồn lực tham gia hoặc hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nông thôn mới.
Tuy nhiên, hoạt động khuyến công trên địa bàn tỉnh Bình Phước chưa theo kịp yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình hiện nay của tỉnh; việc đảm bảo cơ sở vật chất, phương tiện làm việc còn khó khăn; mạng lưới cộng tác viên tại nhiều huyện, thị chưa được hình thành; kinh phí bố trí từ ngân sách cho hoạt động khuyến công còn hạn chế, chưa thu hút nhiều cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) tham gia đầu tư, phát triển sản xuất.
Nhằm đáp ứng nhu cầu, nhiệm vụ công tác khuyến công trong thời gian tới, đồng thời khắc phục những hạn chế nêu trên, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước đã ký ban hành Quyết định số 775/QĐ-UBND ngày 26 tháng 3 năm 2021 về việc phê duyệt Chương trình khuyến công trên địa bàn tỉnh Bình Phước giai đoạn 2021-2025. Đây là căn cứ quan trọng đối với công tác khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn tham gia đầu tư phát triển sản xuất tại khu vực nông thôn.
Theo đó, mục tiêu chung: Động viên và huy động các nguồn lực trong và ngoài tỉnh tham gia hoặc hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp; phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dịch vụ, đô thị, bảo vệ môi trường sinh thái và bảo vệ an ninh quốc phòng; xây dựng Chương trình có ý nghĩa quan trọng hoàn thành các mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn. Trên cơ sở đa dạng hóa ngành nghề, quy mô sản xuất; nâng cao hiệu quả các ngành công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn; góp phần vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tạo việc làm, tăng thu nhập, thực hiện phân công lại lao động xã hội và góp phần xây dựng nông thôn mới; khuyến khích, chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ, sản xuất sạch hơn nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tạo ra sản phẩm hàng hoá quy mô lớn có khả năng cạnh tranh trên thị trường. Sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, bảo vệ môi trường và sức khỏe con người, hướng đến mục tiêu phát triển xanh, phát triển bền vững; hỗ trợ, tạo điều kiện cho các cơ sở CNNT thuận lợi trong tiếp cận các cơ hội phát triển kinh tế số, nâng cao năng suất, chất lượng, năng lực cạnh tranh và thực hiện có hiệu quả lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Mục tiêu cụ thể là: Đào tạo 04 lớp cho 120 học viên; hỗ trợ thành lập 20 doanh nghiệp; tổ chức 5 hội thảo; 4 lớp tập huấn; 2 đoàn học tập kinh nghiệm; xây dựng 02 mô hình; hỗ trợ 27 cơ sở ứng dụng máy móc, thiết bị; tổ chức 02 hội chợ; tham gia 15 hội chợ; hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho 04 cơ sở CNNT; duy trì 01 gian hàng trưng bày sản phẩm tiêu biểu của tỉnh; tổ chức 02 kỳ bình chọn; tư vấn cho 04 cơ sở CNNT; hỗ trợ đánh giá nhanh về sản xuất sạch hơn cho 05 cơ sở CNNT; duy trì 01 cơ sở dữ liệu về CNNT tỉnh Bình Phước; duy trì 01 website của Trung tâm; thực hiện 30 chuyên mục khuyến công; xây dựng 02 mô hình liên kết sản phẩm; Hỗ trợ thành lập 02 hiệp hội; Tổ chức 02 lớp tập huấn.
Nội dung của Chương trình bao gồm: Hỗ trợ đào tạo nghề, truyền nghề và nâng cao tay nghề; nâng cao năng lực quản lý cho các cơ sở CNNT; xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật; chuyển giao công nghệ và ứng dụng khoa học kỹ thuật; phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu; tư vấn giúp các cơ sở CNNT; cung cấp thông tin về các chính sách phát triển công nghiệp, khuyến công; liên doanh, liên kết hợp tác phát triển công nghiệp; nâng cao năng lực quản lý và tổ chức thực hiện các hoạt động khuyến công
Kinh phí thực hiện: Tổng kinh phí thực hiện Chương trình khuyến công trên địa bàn tỉnh Bình Phước giai đoạn 2021-2025 là 29,5 tỷ đồng, trong đó: Kinh phí khuyến công địa phương: 12,25 tỷ đồng; nguồn khác: 17,25 tỷ đồng (bao gồm tài trợ hợp pháp của các tổ chức, cá nhân và nguồn đối ứng của đơn vị thụ hưởng).
Tổ chức thực hiện: UBND tỉnh giao Sở Công Thương Bình Phước chủ trì phối hợp với các Sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố triển khai các nhiệm vụ, giải pháp của Chương trình đảm bảo mục tiêu đề ra. Căn cứ dự toán kinh phí khuyến công địa phương hàng năm được phê duyệt để xây dựng kế hoạch đề án hàng năm. Chỉ đạo kiểm tra, giám sát thực hiện các đề án khuyến công đã được phê duyệt, định kỳ báo cáo UBND tỉnh và Bộ Công Thương./.