Ông Lê Văn Uy - Giám đốc Sở Công thương trả lời chất vấn
Về vấn đền này, Sở Công Thương trả lời như sau:
1. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và nỗ lực của lãnh đạo tỉnh.
Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), được xây dựng trên cơ sở đánh giá của các doanh nghiệp dân doanh, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; là chỉ số đo lường và xếp hạng điều hành của lãnh đạo tỉnh, dựa trên môi trường kinh doanh và chính sách phát triển khu vực kinh tế tư nhân.
Trước hết phải khẳng định rằng: Lãnh đạo tỉnh Bình Phước trong những năm qua đã rất quan tâm đến công tác cải thiện chỉ số PCI của tỉnh. Xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh để cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh. Năm 2008, UBND tỉnh đã ban hành Chương trình hành động nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh . Đồng thời, tỉnh thành lập Tổ công tác PCI do đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Tổ trưởng; Giám đốc Sở Công Thương làm Tổ phó Thường trực và phân công các thành viên phụ trách từng chỉ số thành phần. Trong đó, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng tỉnh (nay là Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy) phụ trách chỉ số thành phần: “Chi phí không chính thức”.Tổ công tác đã thường xuyên tổ chức kiểm tra việc thực hiện của các sở ngành, địa phương. Đến năm 2013, Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 30-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng trong việc thực hiện Chương trình hành động nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.
Do vậy, điểm số PCI của tỉnh đã tăng liên tục qua các năm, từ năm 2009 đưa tỉnh luôn ở nhóm “điều hành khá” của cả nước. Năm 2014 Bình Phước đạt 57,79 điểm, tăng 0,32 điểm, tuy nhiên lại giảm 3 bậc so với năm 2013. Điều này chứng tỏ rằng, các tỉnh xếp trên Bình Phước đã thực sự cải thiện và cạnh tranh khá quyết liệt trong các chỉ số thành phần. Trong đó, chỉ số có tính chất nhạy cảm “Chi phí không chính thức” của Bình Phước cũng như cả nước năm 2014 có xu thế ngày càng xấu đi.
Kết quả điểm số PCI tỉnh Bình Phước qua các năm:
2. Đánh giá của VCCI về chỉ số “Chi phí không chính thức” năm 2014. Báo cáo chỉ số PCI được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố ngày 16/4 cho thấy gánh nặng “Chi phí không chính thức” ngày càng tăng với doanh nghiệp. Trong các chỉ số thành phần cấu thành PCI, điểm dành cho tiêu chí “Chi phí không chính thức” có sự sụt giảm đáng lo ngại nhất và cũng là vấn đề được cộng đồng doanh nghiệp tỏ ra bi quan nhất.
Chi phí ngoài lề sau hơn nửa thập kỷ có xu hướng giảm đã quay trở lại ngưỡng cao trong năm 2014. 66% trong số 11.500 doanh nghiệp được hỏi xác nhận có trả loại phí này. Số liệu khảo sát gây nhiều quan ngại trong bối cảnh Nhà nước đang nỗ lực chống tham nhũng, cải cách hành chính, nâng cao đạo đức của người thực thi công vụ.
Trong số gần 1.500 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tham gia khảo sát, 66,2% cho biết phải bỏ tiền bôi trơn để thủ tục được suôn sẻ. Tỷ lệ này tăng cao trở lại trong 3 năm gần đây.
Khi được hỏi “doanh nghiệp có gặp bất lợi trong đấu thầu nếu từ chối chi tiền hoa hồng” thì 89% trả lời có.
3. Kết quả đánh giá của PCI về chỉ số “Chi phí không chính thức” năm 2014 ở Bình Phước.
Theo báo cáo kết quả năm 2014 của VCCI, Bình Phước chỉ số “Chi phí không chính thức” tiếp tục giảm 1,61 điểm, xuống vị trí 30/63, là năm thứ 3 liên tiếp giảm. Qua các chỉ tiêu đánh giá cho thấy, tình trạng cán bộ, công chức ở Bình Phước dùng “quyền” trong thi hành công vụ để trục lợi cho cá nhân, có chiều hướng ngày càng xấu đi. Cụ thể:
- Có 72,97% DN được hỏi đồng ý rằng: “Doanh nghiệp cùng ngành thường phải trả thêm các khoản chi phí không chính thức” so với năm 2013 chỉ có 47,71%;
- Có 66,18% DN được hỏi đồng ý rằng: “Tình trạng nhũng nhiễu khi giải quyết các thủ tục cho doanh nghiệp khá phổ biến” so với năm 2013 chỉ có 24,27%. 4. Nguyên nhân chỉ số thành phần “Chi phí không chính thức” giảm điểm số.
4.1. Nguyên nhân khách quan:
- Năm 2014 mặc dù nền kinh tế đã có dấu hiệu hồi phục nhưng vẫn còn ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, phần lớn doanh nghiệp còn gặp khó khăn, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Hơn nữa, cơ chế chính sách của Nhà nước thường thay đổi, làm doanh nghiệp không nắm bắt kịp, nên phải chi khoản “Chi phí không chính thức”;
- Hành vi tham nhũng nói chung là hành vi nhạy cảm, do người có chức vụ quyền hạn thực hiện với nhiều thủ đoạn, hình thức tinh vi, khó khăn trong việc phát hiện xử lý;
- Các doanh nghiệp chưa mạnh dạn tố giác khi bị nhũng nhiễu, do lo sợ bị gây khó khăn nên đã chi thêm để được giải quyết công việc, tạo thói quen xấu cho cán bộ công chức khi thi hành công vụ.
4.2. Nguyên nhân chủ quan.
Chỉ số “Chi phí không chính thức” ngày càng xấu đi một phần do nguyên nhân khách quan, tuy nhiên nguyên nhân chủ quan vẫn là chủ yếu. Cụ thể:
- Công tác chỉ đạo thực hiện PCI được chú trọng quan tâm ở cấp lãnh đạo tỉnh, nhưng công tác quán triệt, triển khai thực hiện ở một số đơn vị chưa sâu sát. Từ đó, dẫn đến nhận thức của một số cán bộ, công chức còn hạn chế, chưa chuyển thành hành động cụ thể trong quá trình thực thi công vụ.
- Một bộ phận cán bộ công chức không giữ vững lập trường tư tưởng, tha hóa đạo đức, lối sống. Việc triển khai các giải pháp phòng, chống tham nhũng còn chậm, chưa đồng bộ.
- Mối quan hệ phối hợp giữa các ngành với các địa phương trong việc giải quyết những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp có lúc, có nơi chưa tốt; chưa thực sự chia sẻ với những khó khăn của doanh nghiệp.
5. Một số giải pháp trong thời gian tới:
- Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền về nội dung, ý nghĩa, mục tiêu của Chương trình PCI; Tiếp tục triển khai đồng bộ nhiệm vụ của các thành viên Tổ Công tác PCI nhằm đưa Bình Phước quay lại “nhóm điều hành tốt”;
- Tăng cường kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị 30 của Tỉnh ủy và các các quy định về cải thiện chỉ số PCI đã ban hành, “nói đi đôi với làm”; Nâng cao vai trò của cán bộ, đảng viên, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu. Tập trung cải thiện các chỉ số thành phần nhạy cảm có chiều hướng đi xuống;
- Cán bộ, công chức khi thi hành công vụ phải xác định đúng vị trí của mình là “phục vụ doanh nghiệp” không phải “quản lý doanh nghiệp”. Từ đó, để cho người dân và doanh nghiệp nhìn nhận tốt hơn về sự điều hành của chính quyền;
- Tiếp tục rà soát loại bỏ các thủ tục hành chính trùng lặp, các thủ tục có thể thực hiện quản lý bằng sự ràng buộc đối với các tổ chức tư vấn nghề nghiệp…Xây dựng các quy chế phối hợp giữa các sở ngành và địa phương trong việc thực hiện các thủ tục về đăng ký kinh doanh, khởi sự doanh nghiệp;
- Nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức trong công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí. Kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm, thể hiện sự nghiêm minh của thiết chế pháp lý tại địa phương;
- Nâng cao vai trò của Hiệp hội trong việc tư vấn và phản biện các chính sách của tỉnh. Tăng cường tham vấn cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân; công khai minh bạch các quy định, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội tại địa phương;
- Xây dựng nội dung, tăng cường kiểm tra thực tế tại các đơn vị. Kết hợp kiểm tra PCI và kiểm tra cải cách thủ tục hành chính và công tác phòng chống tham nhũng.
Tác giả: PV
Ý kiến bạn đọc