Lan tỏa mô hình điểm
Anh Phương Thành Trận ở thôn 10, xã Thiện Hưng sở hữu 10 ha tiêu. Hơn 10 năm trồng, chăm sóc, thay vì dùng thuốc diệt cỏ thì anh giữ lại cỏ và chỉ phát dọn để giữ ẩm trong đất; dùng phân chuồng, hạn chế tối đa phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật. Anh cũng đã đầu tư hệ thống tưới nước tự động để tiết kiệm chi phí và công lao động. Vụ mùa vừa qua, vườn tiêu của gia đình anh vẫn đạt sản lượng hơn 20 tấn hạt khô, được Công ty TNHH chế biến gia vị Nedspice Việt Nam thu mua với giá 104 ngàn đồng/kg, cao hơn giá bình quân trên thị trường. “Làm theo hướng hữu cơ đòi hỏi sự kiên trì, hồ sơ phải làm trước 3 năm. Phân bón chủ yếu là phân chuồng và phải ghi chép để theo dõi. Ưu điểm lớn nhất là môi trường trong lành, không độc hại, tốn ít công, cây kéo dài tuổi thọ, giá bán cao hơn so với lối canh tác truyền thống” - anh Trận đúc kết kinh nghiệm.
Vườn tiêu tràn đầy sức sống của anh Phương Thành Trận sau hơn 10 năm canh tác theo hướng hữu cơ bền vững
Theo tiến sĩ Nguyễn Văn Bắc, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bù Đốp, hộ anh Trận là 1 trong 2 hộ đầu tiên của huyện Bù Đốp trồng tiêu đạt tiêu chuẩn Organic. Canh tác theo hướng hữu cơ vừa tạo độ bền cho đất vừa giúp hệ sinh thái cây trồng phát triển bền vững, chưa kể giá bán ra luôn cao hơn so với giá thị trường từ 20-30%. “Các vườn tiêu khác chết nhiều, chủ yếu là do tác động vào đất quá nhiều, làm mất cân bằng sinh thái và trái quy luật tự nhiên. Trong khi đó, lợi ích từ phương pháp canh tác hữu cơ bền vững rất thân thiện, góp phần bảo vệ môi trường, duy trì, cải tạo độ phì nhiêu cho đất, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng và sức khỏe người lao động. Chúng tôi đã, đang đồng hành và chọn vườn này làm mô hình mẫu trồng tiêu theo hướng hữu cơ bền vững để nhân rộng trên địa bàn huyện Bù Đốp” - ông Bắc khẳng định. Trên thực tế, quanh khu vực vườn nhà anh Trận, thấy được lợi ích kép của mô hình này, nhiều hộ dân cũng đã chủ động học hỏi kinh nghiệm làm theo.
Chúng tôi sẽ chú trọng, tăng cường tuyên truyền, tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, làm rõ sản xuất theo quy trình hữu cơ là gì? Qua đó, từng bước thay đổi nhận thức cho bà con và sẽ ký kết thu mua theo hợp đồng, đảm bảo kinh tế người dân sẽ ổn định. Tiến sĩ Nguyễn Văn Bắc, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bù Đốp |
Là huyện biên giới, nhiều vùng đất ở Bù Đốp kém màu mỡ nhưng bằng sự kiên trì, chịu khó của người dân, những khu vực vốn sình lầy vào mùa mưa, khô cằn, thiếu nước vào mùa khô, nay đã khoác lên mình màu xanh trù phú của nhiều loại cây ăn trái, chủ lực là các loại cây có múi mà đứng đầu là bưởi da xanh. Trong đó, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện là đơn vị đi tiên phong. Trên cơ sở thành lập Hợp tác xã (HTX) bưởi da xanh Bù Đốp, 11 thành viên HTX đã đầu tư canh tác theo hướng hữu cơ bền vững. Sau gần 5 năm, vườn bưởi da xanh rộng 70 ha của HTX đã mang lại thành quả bước đầu đầy triển vọng.
“Chúng tôi rất tự hào khi bưởi da xanh của HTX được công nhận là sản phẩm đạt chất lượng của tỉnh. Mục tiêu đầu ra dự kiến từ 200-400 tấn/năm, sản lượng phải đạt như vậy và tạo được lòng tin nơi người tiêu dùng. Chúng tôi sẽ tập trung xuất khẩu ra nước ngoài, qua Hà Lan. Trước mắt sẽ đưa vào chuỗi siêu thị của tỉnh và các tỉnh lân cận, vì vậy sẽ không phải lo đầu ra và phụ thuộc vào giá thị trường” - thạc sĩ Ngô Phước Khánh, Giám đốc HTX bưởi da xanh Bù Đốp chia sẻ.
Niềm tin vươn xa
Hiện vườn cây của HTX bưởi da xanh Bù Đốp đều đã được chứng nhận đạt chuẩn Global GAP, trong đó 20 ha đã cho thu hoạch chính vụ. Xây dựng được thương hiệu nên sản phẩm của HTX đã có mặt hầu khắp các siêu thị trong và ngoài tỉnh, giá bán luôn ổn định ở mức cao.
Với cách làm bài bản, khoa học, có mục tiêu rõ ràng, vườn bưởi của HTX bưởi da xanh Bù Đốp đã thật sự là mô hình điểm để những ai đam mê, có chung sở thích chọn cây trồng này phát triển kinh tế đến học tập, vận dụng vào thực tiễn. Nhiều nông hộ trên địa bàn huyện Bù Đốp cũng đã tìm đến tìm hiểu và dần chuyển đổi sang canh tác cây có múi theo hướng hữu cơ, với tổng diện tích toàn huyện hiện đã hơn 200 ha.
Vườn bưởi da xanh được chăm sóc theo tiêu chuẩn Global GAP, chi phí vật tư đầu vào thấp. Trong khi giá đầu ra lại cao hơn so với lối canh tác truyền thống, bình quân khoảng 15 ngàn đồng/kg. Bà con nông dân ai có nhu cầu tham quan, học hỏi kinh nghiệm, chúng tôi luôn ủng hộ, sẵn sàng hợp tác, chia sẻ từ khâu làm đất, chọn giống, chăm sóc đến thu hoạch và bao tiêu sản phẩm. Thạc sĩ Ngô Phước Khánh, Giám đốc Hợp tác xã bưởi da xanh Bù Đốp |
Trên địa bàn huyện Bù Đốp, diện tích có khả năng canh tác lúa hơn 1.600 ha, nhưng lâu nay, bà con nông dân chỉ sản xuất lúa gạo phẩm cấp thấp. Để khai thác thế mạnh này, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bù Đốp đã tổ chức chuyển sang trồng giống lúa ST24 có nhiều ưu điểm, để tạo ra giá trị thương phẩm trên thị trường. “Ưu điểm của giống lúa ST24 là khả năng chịu hạn, phèn, sâu bệnh tốt; năng suất, chất lượng cao. 1kg lúa thường chỉ 6-7 ngàn đồng, trong khi lúa ST24 cao hơn từ 3-4 ngàn đồng. Chúng tôi sản xuất theo quy trình lúa gạo hữu cơ, đặc biệt an toàn sức khỏe người tiêu dùng nên được thị trường ưa chuộng” - kỹ sư Nguyễn Văn Thuyên, cán bộ kỹ thuật Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bù Đốp chia sẻ. Ông cũng cho biết thêm, từ chỗ thí điểm 5 ha, sau 1 năm triển khai, diện tích gieo trồng đã tăng lên gấp 8 lần và rải đều khắp các xã trên địa bàn huyện.
Người nông dân vốn đã quen với lối canh tác truyền thống, để thay đổi tư duy canh tác mới đòi hỏi phải có thời gian thích ứng. Những mô hình điểm về sản xuất nông nghiệp thân thiện với môi trường mà nhiều nông hộ cũng như Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bù Đốp đang triển khai sẽ là điểm nhấn để lan tỏa, khuyến khích nông dân đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp hữu cơ để tăng thu nhập trên cùng một diện tích, duy trì độ màu mỡ cho đất và sức khỏe bản thân.
Quốc PhongÝ kiến bạn đọc