Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân chủ trì hội nghị. Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Mi dự và chủ trì tại điểm cầu Bình Phước.
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn vừa ứng phó dịch bệnh, vừa khôi phục sản xuất kinh doanh. Chương trình khuyến công quốc gia đã ưu tiên hỗ trợ các đề án, nhiệm vụ cần được triển khai kịp thời giúp doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn thuộc địa bàn chịu tác động của dịch Covid-19, nhưng cơ bản đã được kiểm soát, đi vào ổn định. Tổng kinh phí khuyến công cả nước là 338 tỷ đồng, trong đó kinh phí khuyến công quốc gia là 150 tỷ đồng và khuyến công các địa phương 188 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong bối cảnh ngân sách khó khăn, chương trình chỉ được giao 75,6 tỷ đồng cho 46 địa phương, 5 tổ chức dịch vụ khuyến công, Trung tâm khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp.
Trong năm 2021, hoạt động khuyến công đã hỗ trợ 739 cơ sở ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến và tiến bộ khoa học kỹ thuật vào các khâu sản xuất và xử lý ô nhiễm môi trường; 14 mô hình trình diện kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới; hỗ trợ 5 cơ sở công nghiệp nông thôn sửa chữa, nâng cấp hệ thống xử lý ô nhiễm môi trưởng. Tổng kinh phí hỗ trợ hơn 166,2 tỷ đồng. Bên cạnh đó còn thực hiện hỗ trợ phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn hơn 22,1 tỷ đồng; hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực chất lượng, tư vấn trợ giúp các cơ sở công nghiệp nông thôn gần 9 tỷ đồng…
Dịp này, Bộ Công Thương cũng đã trao Giấy chứng nhận cho 200 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia, trong đó tỉnh Bình Phước có 7 sản phẩm được chứng nhận. Đồng thời, các tập thể, cá nhất có thành tích xuất sắc trong hoạt động công tác khuyến công trong năm 2021 đã vinh dự được nhận Bằng khen của Bộ Công Thương.