Chủ trì bà Đỗ Thị Minh Trâm - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp địa phương, Ông Huỳnh Anh Minh - Ủy viên BTV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước, Ông Phạm Văn Công - Phó Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam, Ông An Văn Khanh - Phó Cục trưởng Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối và lãnh đạo Sở Công thương các tỉnh Đông Nam Bộ, Long An, Ninh Thuận cùng nhiều doanh nghiệp và cơ sở chế biến hạt điều trong và ngoài tỉnh.
Theo số liệu của Cục Công nghiệp địa phương năm 2015, cả nước có khoảng 465 DN chế biến điều với trên 1000 cơ sở sản xuất, trong đó có 46 nhà máy quy mô lớn, công suất chế biến tăng hàng năm (năm 2015 trên 1,3 triệu tấn điều thô, xếp thứ 2 sau Ấn Độ), tăng gấp 67 lần so với năm 1998. Riêng khu vực phía Nam có 347 DN với 497 cơ sở sản xuất (chiếm tỷ trọng 80% cả nước, tập trung ở các tỉnh Bình Phước, Đồng Nai, Long An, Bà Rịa- Vũng Tàu và Tây Ninh.
Trong đó, Bình Phước hiện có hơn 200 doanh nghiệp và hơn 400 cơ sở chế biến, gia công hạt điều, công suất tăng hơn 85.000 tấn/năm. Hiện có 14 cơ sở chế biến sản phẩm nhân điều ăn liền với tổng công suất 4.360 tấn/năm; 31 doanh nghiệp trực tiếp xuất khẩu sang Mỹ, Hà Lan, Canada và châu Âu…
Về chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), phần lớn các cơ sở sản xuất chế biến xếp loại C. Điều này phản ánh thực trạng của ngành điều hiện nay vẫn còn nhiều cơ sở chế biến đầu tư chưa bài bản, đồng bộ; chưa nắm vững kiến thức ATVSTP. Nhiều cơ sở chưa sắp xếp khoa học về dây chuyền thiết bị; các kho nguyên liệu và thành phẩm chưa đảm bảo, ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm.
Ngoài ra, để việc sản xuất, chế biến ngày càng đi vào chiều sâu góp phần tăng chuỗi giá trị hạt điều, cần tăng cường hỗ trợ từ kinh phí khuyến công, ưu tiên đầu tư đổi mới công nghệ thiết bị tiên tiến hiện đại; tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp thông qua các chính sách khuyến công để nâng cao năng lực quản lý cho doanh nghiệp. Tuân thủ theo quy trình, quy chuẩn về sản xuất, đóng gói và bảo quản sản phẩm sau chế biến đạt chất lượng ổn định. Sản phẩm tiêu dùng từ hạt điều cần phải có thương hiệu, nhãn hiệu hàng hoá và đăng ký chất lượng sản phẩm trên bao bì đựng sản phẩm. Đẩy mạnh thực hiện các cuộc xúc tiến thương mại trong và ngoài nước, tổ chức kết nối cung-cầu giữa đơn vị sản xuất với hệ thống phân phối theo mục tiêu đẩy mạnh phát triển tiêu thụ nội địa. Phát triển thương hiệu sản phẩm gắn với thực hiện công bố tiêu chuẩn chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và áp dụng tiêu chuẩn ISO 2200, HACCP, GMP…trong quy trình sản xuất.
Kết luận Hội thảo, Bà Đỗ Thị Minh Trâm đã ghi nhận những kết quả đạt được của ngành công nghiệp chế biến điều trong những năm qua. Đồng thời, đã đưa ra một số giải pháp về đầu tư phát triển hạ tầng - công nghệ; xây dựng, sửa đổi hoàn thiện các cơ chế, chính sách về hoạt động khuyến khích, hỗ trợ, đầu tư phát triển cho doanh nghiệp chế biến điều tại địa phương để ngành điều hoạt động có chiều sâu, hiệu quả hơn nữa.
Dương Xuân Tới