Theo đó, Đề án 2021-2025 được ban hành với mục tiêu duy trì, phát huy các thành quả đã đạt được của Đề án 2018-2020 đồng thời giải quyết được các vấn đề do yêu cầu từ thực tế hiện nay của công tác quản lý nhà nước về kinh doanh theo phương thức đa cấp: Tăng cường sự phối hợp tích cực và đồng bộ của các cơ quan quản lý nhà nước các cấp: từ cấp Trung ương tới cấp tỉnh, thành phố; từ cấp tỉnh, thành phố tới các cấp quận, huyện, thị xã và các cấp đơn vị hành chính thấp hơn; Nâng cao toàn diện hiệu quả quản lý nhà nước, đảm bảo môi trường hoạt động cho các doanh nghiệp kinh doanh đa cấp hợp pháp, đồng thời ngăn ngừa và hạn chế tối đa các vi phạm, biểu hiện tiêu cực, các thiệt hại của người dân trước các hoạt động kinh doanh đa cấp trái phép.
Mục tiêu nhiệm vụ, giải pháp cơ quan quản lý cấp địa phương: Nâng cao năng lực quản lý nhà nước hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp tại địa phương cho cấp tỉnh và cấp quận, huyện, thị xã; Đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về pháp luật quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp tại địa phương; Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp tại địa phương;
Nguồn kinh phí: nguồn ngân sách nhà nước cấp từ kinh phí chi thường xuyên; đóng góp của các tổ chức cá nhân; nguồn huy động tài trợ hợp pháp theo quy định của pháp luật.
Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban, ngành của địa phương tiếp tục tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố xây dựng kế hoạch và kinh phí thực hiện Nhiệm vụ và Giải pháp của Cơ quan quản lý cấp địa phương tại Mục D của Đề án này tại địa phương.
Sở Công Thương các địa phương thực hiện báo cáo về tình hình triển khai Nhiệm vụ và Giải pháp của Cơ quan quản lý cấp địa phương tại Mục D của Đề án này về Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (định kỳ 01 năm/lần vào trước ngày 28 tháng 01 hàng năm) để tổng hợp báo cáo Lãnh đạo Bộ Công Thương.