Tỉnh Bình Phước có trên 40 dân tộc sinh sống rải rác khắp nơi trong vùng nông thôn, nhiều nhất là dân tộc Stiêng chiếm gần 10% tổng dân số của tỉnh (đứng thứ 2 sau dân tộc Kinh chiếm 80%) và gần 96% dân số người Stiêng trong toàn quốc, còn lại là Tày, Nùng, Khơ me, Hoa, …cư trú hầu khắp các huyện: Bù Gia Mập, Bù Đăng, Hớn Quản, Bình Long, Đồng Phú. Đa số đều biết dệt vải để dùng trong gia đình, thân thuộc. Nghề dệt vải của người Stiêng, là sản phẩm thổ cẩm không thể thiếu trong đời sống vật chất tinh thần của đồng bào dân tộc, họ sử dụng vỏ cây rừng tướt thành sợi hoặc trồng bông vải, lanh, đay, gai … để lấy bông kéo sợi, nhuộm màu, dệt thành vải, may áo, váy, khố, ngày nay may cả vật dụng dùng trong gia đình như tấm trải giường, trải gối, chăn, trải bàn, túi xách, ví, ba lô, … Ngày nay do khoa học công nghệ phát triển, quan hệ mua bán mở rộng các sợi nhân tạo dùng cho dệt thổ cẩm được làm ra nhiều hơn đa dạng hơn đã thay thế dần phương pháp lấy sợi truyền thống, sản phẩm làm ra nhiều hơn, nhanh hơn, sản phẩm được bày bán rộng rải cho mọi đối tượng.
Nghề dệt thổ cẩm của người dân tộc Stiêng là nghề được truyền lâu đời từ nhiều thế hệ, họ vẫn gắn bó duy trì cho đến ngày nay. Nghề dệt thổ cẩm không những đem lại thu nhập cho gia đình họ mà còn kết tinh những nét hoa văn tinh tế tạo nên giá trị văn hóa trong từng sản phẩm. Nghề dệt thổ cẩm của người dân tộc chủ yếu tập trung trong dân tộc Stiêng vẫn đang còn tự cấp, tự túc, nhỏ lẽ, sản phẩm làm ra dùng trong gia đình là chủ yếu, một phần bán cho người dân tộc trong nội bộ thôn, srok, một vài hộ dã mạnh dạn hình thành cơ sở kinh doanh để tìm kiếm thị trường nhưng chưa nhiều, mục đích chính dùng trang phục: khố dành cho đàn ông, quầy dành cho phụ nữ, áo nam nữ, túi xách, ví, …dùng làm quà tặng, dùng trong lễ hội, lễ cúng lúa mới, …Nó thể hiện sự đảm dang của người phụ nữ dân tộc bản địa; nó được truyền lại cho những người trong gia đình hoặc những người thân mang tính truyền thống “mẹ truyền con nối”. Hoạt động nghề dệt thổ cẩm của đồng bào dân tộc trên địa bàn tỉnh chưa rộng, sản phẩm làm ra chưa nhiều, chưa có sáng kiến cải tiến, chưa đáp ứng kịp thời nhu cầu ưa chuộng cái mới của khách hàng, việc quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm của một số cơ sở còn hạn chế; chưa có nơi để trưng bày giới thiệu sản phẩm và cũng không có thương hiệu cho sản phẩm.
Để duy trì và phát triển nghề dệt thổ cẩm, giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc, tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao mức sống cho người dân tộc, xóa bỏ phương thức sản xuất tự cấp tự túc, tạo điều kiện hòa đồng giữa các dân tộc, tiếp cận với nếp sống văn minh hiện đại, góp phần phát triển công nghiệp nông thôn, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp đã phối hợp cùng với Ủy ban Nhân dân một số xã, Phòng Kinh tế Hạ tầng huyện nơi có dân tộc đang duy trì nghề dệt thổ cẩm, tìm hiểu giới thiệu cho một số người dân tộc bản địa hiểu biết về chính sách khuyến công của Chính phủ, đồng thời hướng dẫn họ đăng ký kinh doanh, vận động người dân tộc trong độ tuổi lao động tham gia học nghề dệt thổ cẩm để có điều kiện tham gia cùng với cơ sở dệt làm ra nhiều sản phẩm hàng hóa, mở rộng thị trường, giải quyết việc làm, duy trì nghề truyền thống và góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc bản địa.
Những năm qua, hoạt động khuyến công đã hỗ trợ mở lớp đào tạo nghề dệt thổ cẩm cho một số lao động là người dân tộc Stiêng tại các xã Thọ Sơn, Đồng Nai và giới thiệu sản phẩm tham gia Hội chợ trong và ngoài tỉnh, tuy nhiên chưa đạt yêu cầu về phát triển sản phẩm. Từ năm 2013, 2014 Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tiếp tục vận động, hướng dẫn người dân tộc đăng ký thành lập 03 Cơ sở dệt thổ cẩm tại 2 xã Thanh An, An Khương, tổ chức mở lớp đào tạo nghề dệt thổ cẩm cho khoảng 60 lao động là người dân tộc Stiêng trong 2 xã với kinh phí khoảng 90 triệu đồng và giới thiệu sản phẩm đi tham gia Hội chợ trong tỉnh, Hội chợ Bạc Liêu, Đắc Nông năm 2013 và Hội chợ Bình Thuận năm 2014; giới thiệu để Cơ sở được trưng bày sản phẩm tại Khách sạn An Lộc Bình Long, thỏa thuận cung cấp 20 bộ đồng phục học sinh Trường dân tộc nội trú Bình Long, hiện nay Cơ sở đang gấp rút hoàn thành 02 bộ trang phục Nam Nữ của đồng bào dân tộc Stiêng làm mẫu theo yêu cầu lễ hội của Ban dân tộc tỉnh để hợp đồng chính thức dệt vải và may 50 bộ. Ngoài ra còn tổ chức một Đoàn cán bộ quản lý và 6 thợ giỏi từ 02 Cơ sở đi tham quan học tập kinh nghiệm các Cơ sở dệt thổ cẩm tại 02 tỉnh Đồng Nai và Ninh Thuận về phương thức sản xuất, kỷ thuật dệt trên khung cải tiến, thiết kế hoa văn, mẫu sản phẩm, …
Để bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống, khôi phục và phát triển nghề dệt thổ cẩm trên địa bàn tỉnh, việc làm hiện nay là tiếp tục đào tạo nghề dệt thổ cẩm theo hình thức truyền nghề cho đồng bào dân tộc, hỗ trợ thiết kế, cải tiến mẫu mã đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng, xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm góp phần phát triển ngành công nghiệp tiểu thủ công nghiệp và ổn định tình hình kinh tế xã hội tỉnh trong thời gian tới./.