Dự án điện khí LNG Bạc Liêu đã được Bộ Công Thương đề xuất bổ sung Quy hoạch điện Quốc gia (Ảnh minh hoạ) |
Ngày 09/04/2019, Thủ tướng Chính phủ đồng ý về nguyên tắc bổ sung Dự án vào quy hoạch (Thông báo số 135/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ).
Ngay sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Công Thương với tư cách là cơ quan lập quy hoạch đã xin ý kiến của các Bộ, ngành, đặc biệt là ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại văn bản số 5458/BKHĐT ngày 05/8/2019; ý kiến của Ủy ban Kinh tế Quốc hội tại văn bản số 1535/UBKT14 ngày 16/8/2019 và ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại Công văn 5488/VPCP-CN ngày 24/6/2019; Bộ Công Thương đã có văn bản số 1480/BCT-ĐL ngày 07/3/2019 và Văn bản số 8224/BCT-ĐL ngày 30/10/2019 bổ sung giai đoạn 1 Dự án nhà máy điện LNG Bạc Liêu 1, công suất 800 MW vào vận hành năm 2024 – 2025. Giai đoạn 2, các nhà máy điện LNG Bạc Liêu 2, Bạc Liêu 3, Bạc Liêu 4 với quy mô công suất mỗi nhà máy 800 MW, vận hành giai đoạn sau năm 2025 sẽ được xem xét, nghiên cứu xác định trong Quy hoạch điện VIII.
Ngày 15 tháng 8 năm 2019 tại Văn bản số 24/BL-LNG gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu (có gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương), Công ty Delta Offshore Energy (DOE - Nhà đầu tư đề xuất Dự án) khẳng định cam kết giá bán điện của Dự án là khoảng 7cent/kWh.
Theo nghiên cứu đánh giá của Bộ Công Thương và các đơn vị trong ngành điện thì cam kết giá 7cent/kWh của nhà đầu tư là thấp hơn giá thành sản xuất điện bình quân của nhiệt điện than miền Nam (khoảng 7,8 cent/kWh) và giá thành sản xuất điện bình quân của hệ thống điện.
Tham chiếu ý kiến của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, nếu tính toán theo đúng quy định tại Thông tư 56/2014/TT-BCT ngày 19/12/2014 của Bộ Công Thương: trong trường hợp giá khí bán cho Dự án là 8,37USD/MMBTU (theo kết luận tính toán tại Chương 4 của Đề án bổ sung quy hoạch), số giờ vận hành tương đương 6.000h/năm, giá điện của Dự án sẽ là 8,39 USCent/kWh (chưa tính chi phí đầu tư lưới điện đồng bộ).
Điều kiện địa lý của Dự án khá bất lợi: Cảng nhập LNG cách đất liền 35km, chưa đánh giá chi tiết về luồng tàu, vũng quay tàu, đê chắn sóng….; vị trí xây nhà máy điện trên đất liền có nền đất yếu; khối lượng đường dây cần xây dựng để giải tỏa công suất khá lớn... Từ đó cho thấy, các yếu tố này sẽ làm tăng chi phí đầu tư, dẫn tới rất khó để đảm bảo giá thành sản xuất điện đạt 7cent/kWh như nhà đầu tư đề xuất.
Với quy mô công suất 3.200 MW, Dự án nếu được bổ sung ngay trong giai đoạn từ năm 2024 thì trường hợp giá điện của Dự án thay đổi, tăng trên 7,8 cent/kWh sẽ tác động làm tăng giá thành sản xuất điện bình quân của hệ thống và làm tăng giá bán lẻ điện.
Bên cạnh đó, chưa kể đến các khó khăn khác về giải toả công suất các dự án điện năng lượng tái tạo ở khu vực Tây Nam bộ nếu có sự phát triển mạnh mẽ. Cùng các dự án đang triển khai, tính toán sơ bộ cần phải xây dựng khoảng 355km đường dây 500kV để giải tỏa công suất với ước tính tổng mức đầu tư khoảng 285 triệu USD (các công trình lưới điện cần xây dựng bao gồm: Đường dây 500kV Bạc Liêu – Long Phú dài 70km, ĐZ 500kV Bạc Liêu – Thốt Nốt dài 130km; Đường dây Thốt Nốt – Đồng Tháp dài 155km).
Có thể khẳng định, toàn bộ công suất 3.200 MW của Dự án đã được Bộ Công Thương đề xuất bổ sung vào Quy hoạch điện lực Quốc gia, nhưng phân chia theo từng giai đoạn cụ thể sao cho hợp lý với các quy hoạch khác, tính toán cân đối cung cầu điện, các điều kiện đấu nối và các điều kiện khác. Đặc biệt đã xem xét đến những khó khăn phát sinh mà nhà đầu tư có thể gặp phải trong quá trình thực hiện Dự án (đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư cũng như đảm bảo an ninh năng lượng cung cấp điện).
Ngày 01 tháng 11 năm 2019, UBND tỉnh Bạc Liêu có văn bản số 4946/UBND-TH gửi Thủ tướng Chính phủ (trên cơ sở văn bản kiến nghị cho phép bổ sung toàn bộ công suất 3.200 MW (4x750 +200 MW) với dự kiến tiến độ vận hành các năm từ 2023 đến 2026.
Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XIV, sau khi lắng nghe ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã chỉ đạo kịp thời và ban hành văn bản số 8663/BCT-ĐL ngày 13/11/2019 đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép bổ sung toàn bộ 3.200MW, vận hành giai đoạn từ năm 2024 – 2027 với giá bán điện của Dự án là 7cent/kWh cho toàn bộ vòng đời Dự án (như cam kết của nhà đầu tư).
Theo đó, nếu được phê duyệt thì sau khi Dự án được bổ sung quy hoạch, yêu cầu Uỷ ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu chỉ đạo nhà đầu tư làm rõ các ý kiến của Bộ Công Thương, các bộ, ngành. Quá trình thẩm định chủ trương đầu tư của Dự án, nếu giá điện nhà đầu tư đề xuất tăng trên 7cent/kWh cho cả vòng đời Dự án, cần xem xét lại quy mô và thời điểm xuất hiện cũng như phân kỳ đầu tư của Dự án, tránh việc làm mất cơ hội đầu tư của các dự án tương tự nhưng hiệu quả hơn về mặt kinh tế - xã hội.
Tại cuộc họp thường kỳ Chính phủ tháng 11, Bộ Công Thương cũng đã báo cáo Chính phủ về tình hình cung cầu điện đến năm 2025, 2030 với những tính toán cụ thể trên cơ sở cập nhập tiến độ các nguồn điện đến thời điểm hiện tại cũng như dự tính các nguồn điện sẽ phát triển trong tương lai gần.
Tác giả: Đình Dũng
Nguồn tin: congthuong.vn
Ý kiến bạn đọc