Là cơ quan tham mưu cho UBND tỉnh trong hoạt khuyến công, hàng năm Sở Công Thương phối hợp với các sở, ngành tham mưu UBND tỉnh khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn, tiết kiệm năng lượng và sản xuất sạch hơn trong công nghiệp. Bên cạnh đó, Sở thường xuyên chú trọng xây dựng kế hoạch khuyến công phù hợp với phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của tỉnh; tham mưu UBND tỉnh hoàn thiện chính sách khuyến công theo hướng hiệu quả và phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh theo từng giai đoạn 2009-2012, 2011-2015, 2016-2020; xây dựng quy chế bình chọn, xét thưởng sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu trên địa bàn tỉnh.
Qua 6 năm (2014-2020) triển khai thực hiện Nghị định 134/2004/NĐ-CP của Chính phủ về khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn (nay là Nghị định 45/2012/NĐ-CP về Khuyến công), công nghiệp nông thôn (CNNT) Bình Phước đã có những đột phá, thể hiện rõ nét vai trò quan trọng từ hoạt động khuyến công. Kết quả trong giai đoạn 2014-2020 khuyến công Bình Phước đã thực hiện 143 đề án. Trong đó 33 đề án khuyến công quốc gia và 110 đề án khuyến công địa phương tổng kinh phí 110,356,51 tỷ đồng. Qua đó đã hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý và đào tạo nghề cho các cơ sở công nghiệp nông thôn; tổ chức nhiều đoàn khảo sát học tập kinh nghiệm; hội thảo, hội nghị tập huấn chuyên đề phục vụ phát triển công nghiệp nông thôn. Bên cạnh đó, thông qua công tác khuyến công hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, ứng dụng công nghệ mới, thiết bị hiện đại vào sản xuất. Đơn cử là máy cắt tách vỏ cứng trong dây chuyền chế biến hạt điều xuất khẩu, máy móc thiết bị sử dụng khí sinh học (biogas) chạy máy phát điện. Đồng thời, đăng ký thương hiệu cho các doanh nghiệp; tổ chức bình chọn và tôn vinh sản phẩm công nghiệp tiêu biểu tỉnh. Tham gia 19 hội chợ triển lãm trong và ngoài nước, với 104 lượt cơ sở CNNT tham gia. Đặc biệt tổ chức thành công Hội chợ hàng CNNT khu vực Đông Nam Bộ - Bình Phước năm 2016 với 228 gian hàng và Hội chợ tam giác phát triển Việt Nam – Lào – Campuchia với 100 gian hàng. Tổ chức 01 Hội nghị về phát triển ngành chế biến điều cho 150 đại biểu là cán bộ quản lý nhà nước, các cơ sở CNNT chế biến điều; Xây dựng 03 mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm hạt điều theo công nghệ mới; 01 mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất vật liệu không nung; Hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến, hiện đại vào sản xuất cho 62 cơ sở CNNT trong các lĩnh vực chế biến hạt điều, chế biến gỗ, sản xuất vật liệu xây dựng, cơ khí, chế biến thực phẩm, …
Song song đó, đã hỗ trợ cho 37 cơ sở CNNT có sản được bình chọn cấp tỉnh tham gia bình chọn cấp khu vực. Kết quả có 111 sản phẩm của các cơ sở CNNT được bình chọn; Kết quả có 28 sản phẩm đã được bình chọn cấp khu vực; Hỗ trợ cho 28 cơ sở CNNT có sản được bình chọn cấp khu vực tham gia bình chọn cấp quốc gia. Kết quả có 10 sản phẩm đã được bình chọn cấp quốc gia, năm 2020 dự kiến có 10 sản phẩm được bình chọn cấp quốc gia; Ngoài ra xây dựng 36 chuyên mục khuyến công và 12 chuyên mục “Tiết kiệm năng lượng trên sóng truyền hình tỉnh Bình Phước. Phối hợp với các đơn vị liên quan: Phát hành 16 Bản tin Công Thương; Xây dựng và duy trì trang thông tin điện tử (Website) của Trung tâm.
Từ định hướng và hỗ trợ từ ngành công thương, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh không ngừng sáng tạo, mạnh dạn ứng dụng khoa học vào sản xuất. Tiêu biểu thời gian qua đã có 2 sản phẩm gối - nệm cao su của Công ty Cổ phần cao su kỹ thuật Đồng Phú và máy bóc vỏ lụa nhân hạt điều của Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ Thành Phát lọt vào top 100 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia do Bộ Công Thương tổ chức bình chọn. Và còn nhiều doanh nghiệp điển hình như Công ty TNHH Vinahe; Công ty TNHH Hạt Điều Vàng…
Thông qua hoạt động khuyến công, một số ngành nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống như dệt thổ cẩm, gỗ mỹ nghệ... được duy trì và phát triển. Cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn tăng lên cả về số lượng và chất lượng. Từ đó thu hút và giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động. Có thể nói, hoạt động khuyến công của tỉnh đã và đang góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế - xã hội khu vực nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thực hiện chính sách an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Nhằm thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ công tác khuyến công phát triển, góp phần quan trọng thúc đẩy sự đi lên của ngành công nghiệp tỉnh, trong thời gian tới, Sở Công Thương Bình Phước đề ra những giải pháp sau:
Bám sát nghị quyết, nhiệm vụ về phát triển công nghiệp mà Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 và các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh để xây dựng, thực hiện các chương trình, kế hoạch, đề án khuyến công tại địa phương. Sử dụng hiệu quả cao nhất nguồn kinh phí khuyến công quốc gia và nguồn kinh phí khuyến công địa phương;
Xây dựng, rà soát sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động khuyến công của tỉnh đảm bảo sự phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương.
Tiếp tục thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về hoạt động khuyến công, để các tổ chức, cá nhân thuộc đối tượng được hưởng chính sách về khuyến công nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc công nghiệp hóa nông thôn.
Thực hiện tốt việc phân công, phối hợp chặt chẽ giữa các Sở, ngành, các tổ chức đoàn thể, các hiệp hội trong toàn bộ các khâu của hoạt động khuyến công, tiết kiệm năng lượng. Đặc biệt là sự phối hợp giữa Trung tâm khuyến công & Tư vấn phát triển công nghiệp với Phòng Kinh tế/Kinh tế và Hạ tầng các huyện, thị xã và UBND các xã, phường, thị trấn và các cơ sở CNNT.
Nâng cao hiệu quả thực hiện các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển ngành nghề nông thôn; chính sách hỗ trợ chuyển giao mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học và đổi mới công nghệ có sử dụng ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh Bình Phước.
Chủ động xây dựng các đề án có sự phối hợp các chương trình khác. Đặc biệt, đối với các xã nông thôn mới, ưu tiên hỗ trợ các cơ sở công nghiệp trên địa bàn vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn, các cơ sở CNNT sản xuất các sản phẩm có lợi thế, sản phẩm chủ lực của tỉnh phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đảm bảo hiệu quả trong sử dụng nguồn vốn khuyến công, tiết kiệm năng lượng và sản xuất sạch hơn.
Chủ động đào tạo nâng cao năng lực bộ máy làm công tác khuyến công, tư vấn phát triển công nghiệp. Tổ chức các đoàn tham quan khảo sát, học tập kinh nghiệm tại các địa phương trong nước. Động viên, huy động mọi nguồn lực trong và ngoài nước tham gia hoặc hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất CNNT và các dịch vụ khuyến công theo quy hoạch phát triển công nghiệp của tỉnh.
Đa dạng hóa các nguồn vốn khác ngoài Ngân sách địa phương để phục vụ công tác Khuyến công; Tiết kiệm năng lượng ngày càng hiệu quả, góp phần vào sự phát kinh tế của tỉnh nhà.