(Ngành công nghiệp chế biến hạt điều trên địa bàn tỉnh Bình Phước) Giai đoạn 2016-2020, Bình Phước đầu tư 126,34 tỷ đồng cho hoạt động khuyến công. Trong đó, ngân sách trung ương hỗ trợ 18,8 tỷ đồng và ngân sách địa phương 18,54 tỷ đồng, số kinh phí còn lại do các đơn vị thụ hưởng đóng góp. Nguồn kinh phí này, tỉnh triển khai hỗ trợ cho 9 nội dung khuyến công. Với nội dung đào tạo nghề, truyền nghề và phát triển nghề, tỉnh dự kiến tổ chức dạy nghề cho khoảng 510 lao động mới, nâng cao tay nghề cho 150 lao động, đào tạo nghệ nhân và thợ giỏi cho 90 lao động tại các cơ sở CNNT. Kinh phí triển khai nội dung là 1,25 tỷ đồng. Nội dung đào tạo được thực hiện trên cơ sở khảo sát nhu cầu lao động của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất.
Bình Phước cũng dành 20,4 tỷ đồng hỗ trợ triển khai nội dung xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến vào sản xuất. Trong đó, dự kiến hỗ trợ xây dựng 5 mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất mới; ứng dụng máy móc, chuyển giao công nghệ cho 100 cơ sở CNNT.
Đặc biệt, giai đoạn này, tỉnh dành 5,5 tỷ đồng để thực hiện hỗ trợ: thành lập 2 hiệp hội ngành nghề công nghiệp nông thôn; 4 mô hình liên kết sản phẩm tiểu thủ công nghiệp với hoạt động du lịch; lập và quy hoạch chi tiết cho 1 cụm công nghiệp; đầu tư xây dựng hạ tầng 1 cụm công nghiệp. Đồng thời, dành một phần kinh phí hỗ trợ cho các cơ sở CNNT sửa chữa, nâng cấp hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường cho cụm công nghiệp và cơ sở CNNT.
Ngoài ra, tỉnh cũng dành kinh phí để hỗ trợ cho các chương trình: nâng cao năng lực quản lý cho cơ sở CNNT; phát triển sản phẩm CNNT tiêu biểu; phát triển hoạt động tư vấn; hỗ trợ cung cấp thông tin; hợp tác quốc tế về khuyến công và nâng cao năng lực quản lý, tổ chức thực hiện./.