Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Bình Phước

https://khuyencongbinhphuoc.gov.vn


Vai trò của khuyến công trong việc phát triển chuỗi giá trị sản phẩm điều

Trong hơn 10 năm qua, Việt Nam luôn duy trì vị trí xuất khẩu hạt điều lớn nhất thế giới, năm 2019 kim ngạch xuất khẩu đạt 3,28 tỷ USD tăng 14% về khối lượng nhưng kim ngạch xuất khẩu giảm 8,3% so với năm 2018; xuất khẩu sang 90 thị trường, từ đó cho thấy hạt điều Việt Nam ngày càng được thị trường thế giới ưa chuộng. Song song đó, ngành công nghiệp chế biến điều cũng phát triển rất nhanh. Ở Việt Nam, Điều là một trong những sản phẩm nông nghiệp đầu tiên chuyển từ xuất khẩu nguyên liệu sang xuất khẩu sản phẩm đã qua chế biến. Trong thành tựu chung đó có sự đóng góp không nhỏ của ngành điều Bình Phước cả về diện tích và sản lượng, năng lực chế biến và xuất khẩu. Hiện nay, Việt Nam có khoảng 26 tỉnh, thành phố trồng điều với tổng diện tích là khoảng hơn 300 ngàn ha, tổng sản lượng khoảng trên 252 ngàn tấn, trong đó riêng tỉnh Bình Phước đang chiếm khoảng 50% diện tích với diện tích hơn 134 ngàn ha và tổng sản lượng khoảng 152,6 ngàn tấn. Trong cơ cấu cây trồng của tỉnh thì cây điều đứng thứ hai sau cây cao su về diện tích và đóng góp lớn vào cơ cấu GDP của cả tỉnh, giải quyết việc làm cho 40-50 ngàn người lao động địa phương nên được xác định là cây trồng chủ lực của tỉnh. Hoạt động thu mua và sản xuất chế biến điều tại tỉnh Bình Phước đã hình thành và phát triển trong nhiều năm với khoảng hơn 200 doanh nghiệp và hơn 400 cơ sở chế biến, với công nghệ chế biến liên tục được đổi mới, tự động hóa ngày căng cao. Nhiều doanh nghiệp chế biến đang theo xu hướng đa dạng hóa sản phẩm bằng nghiên cứu công nghệ mới, mở rộng thị trường, nâng cao giá trị gia tăng, đầu tư phát triển sản phẩm chế biến sâu. Hiện nay, có khoảng hơn 31 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu trực tiếp, kim ngạch xuất khẩu hạt điều nhân của Bình Phước năm 2019 khoảng 98.300 tấn nhân/ năm, trị giá 765 triệu USD, kim ngạch nhập khẩu điều thô khoảng 495.000 tấn, giá trị 855 triệu USD. Trên địa bàn tỉnh có khoảng 20 doanh nghiệp chế biến sản phẩm nhân điều ăn liền với công suất khoảng 4.360 tấn/năm chủ yếu là rang muối.

Từ những lợi thế về vùng nguyên liệu kéo theo sự phát triển mạnh mẽ của ngành chế biến điều trở thành một trong những ngành công nghiệp chủ lực, đã góp phần phát triển kinh tế tỉnh nhà, tăng nguồn thu ngân sách địa phương, giải quyết việc làm cho người lao động, thúc đẩy công nghiệp nông thôn phát triển. Tuy nhiên, hiện nay các cơ sở chế biến điều phân bố không đồng đều, tỷ lệ các doanh nghiệp lớn không nhiều, phần lớn là các doanh nghiệp có quy mô nhỏ, cơ sở kinh doanh hộ gia đình; Năng lực quản lý còn hạn chế, đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý được đào tạo còn ít; Việc ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất tập trung chủ yếu ở các doanh nghiệp có quy mô sản xuất lớn. Các cơ sở chế biến vẫn tập trung chủ yếu ở khâu chế biến thô, rất ít doanh nghiệp đầu tư vào khâu chế biến sâu do đó lợi nhuận mang lại chưa cao; Vấn đề xây dựng, đăng ký thương hiệu sản phẩm, quảng bá, xúc tiến thương mại giới thiệu sản phẩm ít doanh nghiệp quan tâm. Đặc biệt là nâng cao chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn ISO, HACCP, GMP,…

 
Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, nhằm tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở CNNT chế biến điều và thực hiện có hiệu quả đề án phát triển bền vững ngành điều Bình Phước đến năm 2020 theo Quyết định số 1559/QĐ-UBND và đề án đổi mới công nghệ theo Quyết định số 448/QĐ-UBND ngày 02/3/2017 của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước về việc phê duyệt Đề án “Đổi mới công nghệ đồng bộ, nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm và đáp ứng đủ điều kiện xuất khẩu đối với sản phẩm điều Bình Phước. Giai đoạn 2016 – 2020, định hướng đến năm 2030. Hoạt động khuyến công giai đoạn 2010-2020 đã hỗ trợ cho 101 cơ sở CNNT chế biến điều, với kinh phí là 22,3 tỷ đồng, trong đó được Bộ Công Thương phê duyệt đề án khuyến công quốc gia điểm “Hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh Bình Phước phát triển chế biến hạt điều giai đoạn 2018 – 2020” với tổng kinh phí khuyến công quốc gia hỗ trợ: 11,85 tỷ đồng. Công tác hỗ trợ tập trung vào một số nội dung như: xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật; ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến, hiện đại; nâng cao năng lực quản lý, phát triển sản phẩm, đào tạo lao động và tổ chức các Hội nghị về chuyên ngành điều,…vv. Các cơ sở CNNT chế biến điều, đặc biệt là các cơ sở chế biến sâu (hạt điều thành phẩm) với quy mô còn nhỏ, lẻ sau khi được hỗ trợ đã đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh, đổi mới công nghệ, năng lực quản lý, xây dựng thương hiệu, nâng cao năng lực cạnh tranh, đã từng bước khẳng định được thương hiệu sản phẩm, tạo chỗ đứng trên thị trường trong nước và vươn ra thị trường thế giới góp phần phát triển ngành chế biến điều bền vững. Sự phát triển của ngành điều góp phần tích cực vào sự phát triển công nghiệp nói chung và CNNT nói riêng theo định hướng của tỉnh, tăng giá trị sản xuất công nghiệp và giá trị gia tăng ngành công nghiệp trong GDP của tỉnh; chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp hóa nông thôn, tạo ra nhiều việc làm mới, tăng thu nhập cho lao động, hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới.

Ngoài những kết quả đạt được hoạt động khuyến công hỗ trợ ngành điều trên địa bàn tỉnh Bình Phước vẫn còn một số hạn chế cụ thể như: Các đề án khuyến công hỗ trợ ngành điều chưa được đa dạng hóa, mới tập chung chủ yếu vào lĩnh vực xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị, đào tạo nghề, phát triển sản phẩm; Các doanh nghiệp chế biến điều thường mang tính tự phát, quy mô hộ gia đình nên hoạt động sản xuất kinh doanh không ổn định, phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu là chính. Mặt khác, ảnh hưởng của giá cả thị trường đối với nguồn nguyên vật liệu đầu vào nên cũng ảnh hưởng phần nào đến quá trình đầu tư của các cơ sở CNNT chế biến điều. Vì vậy một số cơ sở CNNT đăng ký hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công đã không triển khai thực hiện theo kế hoạch đã được phê duyệt; Các cơ sở CNNT thường chỉ tập trung vào sản xuất kinh doanh là chính, tâm lý ngại quan hệ với cơ quan Nhà nước, ngại hồ sơ thủ tục rườm rà vẫn còn phổ biến trong một bộ phận không nhỏ các cơ sở CNNT. Mức độ trao đổi thông tin hai chiều với cơ quan Nhà nước còn thấp. Công tác tuyên truyền chính sách khuyến công ở cấp xã đến các cơ sở sản xuất CNNT vẫn chưa thực sự được chú trọng.

Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khó lường, tăng trưởng kinh tế thế giới có khả năng chậm lại hơn giai đoạn trước; cách mạng công nghiệp lần thứ 4 sẽ tiếp tục tác động mạnh mẽ và rộng rãi đến mọi mặt của đời sống; biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng về cả tác động và cường độ; ảnh hưởng của giá cả thị trường trong nước và thế giới đối với các sản phẩm điều; đặc biệt là đại dịch Covid-19, ngành điều Bình Phước đang gặp nhiều khó khăn, thách thức. Vì vậy, để phát triển ngành điều bền vững thì trong thời gian tới hoạt động khuyến công tiếp tục thực hiện một số chính sách hỗ trợ phát triển hoạt động sản xuất chế biến hạt điều như: tập trung đa dạng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm điều sau chế biến; Tăng nguồn hỗ trợ kinh phí khuyến công: ưu tiên đổi mới công nghệ, thiết bị tiên tiến, hiện đại, áp dụng sản xuất sạch hơn; ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ chế biến hạt điều gắn với việc đào tạo công nhân lành nghề, nâng cao năng lực quản lý; nghiên cứu kỹ thuật công nghệ mới để phát triển và đa dạng hóa sản phẩm (sản phẩm mới) từ hạt điều phục vụ thị hiếu của từng thị trường. Tiếp tục hỗ trợ xúc tiến thương mại, tổ chức “kết nối cung - cầu giữa đơn vị sản xuất với hệ thống phân phối” theo mục tiêu đẩy mạnh phát triển tiêu thụ nội địa. Phát triển thương hiệu, gắn với thực hiện công bố tiêu chuẩn chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và áp dụng tiêu chuẩn ISO, HACCP, GMP, trong quá trình sản xuất nhằm tạo ra những sản phẩm có chất lượng cao phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu./.

                                         
Trong những năm gần đây nền kinh tế Việt Nam nói chung và Bình Phước nói riêng ngày càng hội nhập sâu rộng với thế giới, nhất là sau khi Việt Nam gia nhập WTO, quá trình toàn cầu hóa ngày càng diễn ra nhanh chóng, sự cạnh tranh ngày càng gay gắt hơn, bên cạnh những cơ hội, doanh nghiệp còn đứng trước những khó khăn, thách thức. Để đáp ứng được yêu cầu của thị trường rộng lớn và đòi hỏi phát triển bền vững, các doanh nghiệp ngày nay cần tiến hành phân tích và đánh giá lại cả quá trình từ khi còn là nghiên cứu đến sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nhằm xác định được lợi thế cạnh tranh nằm ở giai đoạn nào để có chiến lược phát triển dựa trên thế mạnh sẵn có của mình. Về phía nhà nước cần có những chính sách cần thiết để tháo gỡ những nút thắt đối với cả quá trình khởi điểm từ những ý tưởng nghiên cứu đến sản xuất kênh phân phối và tiêu thụ sản phẩm. Trong bối cảnh đó, chuỗi giá trị sản phẩm có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong sản xuất và nếu chúng ta không xây dựng được chuỗi giá trị sản phẩm sẽ khó cạnh tranh, để đưa các sản phẩm trong nước ra thị trường quốc tế.

Tác giả: Đỗ Viết Giang

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây