Nỗ lực của lãnh đạo tỉnh Trước hết phải khẳng định rằng, lãnh đạo tỉnh Bình Phước trong những năm qua đã rất quan tâm đến việc cải thiện chỉ số PCI. Xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển. Năm 2008, UBND tỉnh đã ban hành Chương trình hành động nâng cao chỉ số PCI. Năm 2013, Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 30-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng trong việc thực hiện Chương trình hành động nâng cao chỉ số PCI. Đồng thời, tỉnh thành lập Tổ công tác PCI do Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Tổ trưởng; Giám đốc Sở Công Thương làm Tổ phó Thường trực, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng tỉnh (nay là Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy) là Tổ phó phụ trách chỉ số thành phần “Chi phí không chính thức”.
Từ sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, điểm số PCI đã tăng liên tục qua các năm. Từ năm 2009 đến năm 2014, tỉnh luôn ở nhóm “điều hành khá” của cả nước. Không thể phủ nhận, năm 2015 chính quyền tỉnh đã rất cố gắng trong điều hành, chỉ đạo thực hiện chỉ số PCI thành phần theo chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị. Nhưng chất lượng công vụ vẫn chưa được cải thiện sau khi cải cách hành chính. Điều đó dẫn đến chỉ số thành phần bị sụt giảm, trong đó thể hiện rất rõ ở chỉ số “Chi phí không chính thức”.
Kết quả không mong đợi Việc cải thiện chỉ số PCI qua các năm không bền vững và việc năm 2015 Bình Phước xếp hạng 54/63 tỉnh thành, giảm 16 bậc, đứng cuối "nhóm trung bình", đạt 56,41 điểm, giảm 1,38 điểm so với 2014 là điều khiến các ngành phải trăn trở. Trong đó, chỉ số có tính chất nhạy cảm “Chi phí không chính thức” tiếp tục xấu đi (Năm 2015/2014: Điểm số= 4,85/5,23; Xếp hạng= 36/30).
Bảng chi tiết đánh giá chi phí không chính thức tỉnh Bình Phước 2015.
Số TT | Chỉ tiêu đánh giá | Giá trị 2014 | Các chỉ số đánh giá năm 2015 |
Giá trị | Nhỏ nhất | Trung vị | Lớn nhất |
1 | Các DN cùng ngành thường phải trả thêm các khoản chi phí không chính thức (% Đồng ý hoặc Hoàn toàn đồng ý) | 72,97 | 68,09 | 47,37 | 66,03 | 79,38 |
2 | % DN phải chi hơn 10% doanh thu cho các loại chi phí không chính thức | 10,77 | 15,91 | 3,23 | 11,11 | 24,32 |
3 | Hiện tượng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục cho DN là phổ biến (% Đồng ý hoặc Hoàn toàn đồng ý) | 66,18 | 67,74 | 43,82 | 65,38 | 77,52 |
4 | Công việc đạt được kết quả mong đợi sau khi đã trả chi phí không chính thức (% thường xuyên hoặc luôn luôn) | 66,18 | 59,77 | 42,11 | 62,37 | 76,25 |
5 | Các khoản chi phí không chính thức ở mức chấp nhận được (% Đồng ý hoặc Hoàn toàn đồng ý) | 82,61 | 80,90 | 58,54 | 76,84 | 90,09 |
Theo báo cáo kết quả đánh giá của VCCI, Chỉ số này năm 2011 dẫn đầu cả nước, năm 2012 giảm xuống vị trí 15/63, năm 2013: 23/63, năm 2014: 30/63; năm 2015 giảm xuống đứng thứ 36/63tỉnh, thành phố, là năm thứ 4 liên tiếp giảm. Qua các chỉ tiêu đánh giá cho thấy, tình trạng cán bộ, công chức dùng “quyền”trong thi hành công vụ để trục lợi cho cá nhân, có chiều hướng ngày càng xấu đi.Các chỉ tiêu đánh giá năm 2015 đều xấu hơn trung bình của cả nước, cụ thể:
Có 68,09% DN được hỏi đồng ý rằng: “Doanh nghiệp cùng ngành thường phải trả thêm các khoản chi phí không chính thức” so với trung bình cả nước là 66,03%;
“DN phải chi hơn 10% doanh thu cho các loại chi phí không chính thức” tăng lên từ 9,89% năm 2013 lên 10,77% năm 2014 và đến năm 2015 là 15,91%;
“Tình trạng nhũng nhiễu khi giải quyết các thủ tục cho doanh nghiệp khá phổ biến”năm 2013 chỉ có 24,27%, năm 2014 là 66,18%, đến 2015 là 67,74%.
Theo các nhà nghiên cứu PCI, Việt Nam có 2 loại tham nhũng chính. Đó là khoản lót tay để thực hiện các dịch vụ hay các việc cơ bản, như đăng ký kinh doanh, cấp giấy phép đủ điều kiện hoạt động sản xuất, kinh doanh, kê khai thuế... và chuyển nhượng quyền lực Nhà nước thông qua các khoản “lại quả” khi thực hiện hợp đồng với cơ quan nhà nước.
Cũng theo đánh giá của các nhà tư vấn PCI, các năm gần đây ở Việt Nam, tần suất tham nhũng có giảm về quy mô nhưng phạm vi hối lộ lại tăng lên. Và với dạng tham nhũng đầu, tình trạng doanh nghiệp phải trả “chi phí không chính thức” cho cán bộ, công chức để thực hiện các thủ tục hành chính chỉ là “tham nhũng vặt”. Dạng thứ hai để giành được hợp đồng làm ăn trong đầu tư và mua sắm công đang ngày một gia tăng. Như vậy, dạng tham nhũng thứ hai dễ xảy ra ở các cơ quan đơn vị nắm quyền, nắm tiền Nhà nước, có vốn đầu tư công lớn.
Với tình trạng và tần suất chi trả “chi phí không chính thức” trong mọi hoạt động của doanh nghiệp ngày càng tăng cộng với đó chất lượng cơ sở hạ tầng và dịch vụ công sụt giảm thì hình ảnh thu hút đầu tư của tỉnh thật đáng lo ngại.
Một số giải pháp cải hiện chỉ số “Chi phí không chính thức” Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Nâng cao vai trò của cán bộ, đảng viên, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu.
Tiếp tục nâng cao chất lượng thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, một cửa điện tử; công khai, minh bạch các chủ trương, chính sách ưu đãi của tỉnh đối với môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho các cá nhân, tổ chức đối với việc phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước.
Tiếp tục tăng cường thực hiện công tác phòng và chống tham nhũng. Thực hiện nghiêm túc Luật và các quy định của Nhà nước về đấu thầu. Thực hiện tốt các quy định về đạo đức công vụ, xử lý nghiêm các trường hợp nhũng nhiễu, gây phiền hà cho doanh nghiệp và người dân.