Nhờ linh hoạt trong các hình thức tuyên truyền, Công ty Điện lực Bình Phước đã giúp phong trào TKĐ trên địa bàn tỉnh trở thành hành động, thu hút đông người dân tham gia. Mỗi gia đình đều có những mẹo tiết kiệm tùy vào nhu cầu sử dụng, tạo thói quen sử dụng năng lượng hiệu quả.
Đóng, ngắt các thiết bị điện khi không cần thiết giúp gia đình ông Trịnh Hùng Xuân, ấp 1B, xã Tiến Thành (Đồng Xoài) tiết kiệm tiền điện hằng tháng
“Gia đình tôi thực hiện TKĐ từ vài năm trước. Cách làm của gia đình cũng khá đơn giản. Với 4 người, tôi chọn mua tủ lạnh dung tích nhỏ và không mở cửa tủ lạnh liên tục; thay thế các bóng điện trong nhà bằng đèn compact; mua đồ điện có dán nhãn tiết kiệm; hạn chế sử dụng thiết bị điện không cần thiết hoặc sử dụng chế độ hẹn giờ. Mùa nắng nóng nhiệt độ lên đến 37oC, mặc dù nhà có máy điều hòa, nhưng tôi mở tất cả cửa lấy gió tự nhiên. Nhờ vậy, mỗi tháng gia đình chỉ dùng hết khoảng 80kWh. Bình thường đã nên tiết kiệm, lúc kinh tế khó khăn, vật giá leo thang càng phải tiết kiệm. Điều quan trọng chính là ý thức của mỗi cá nhân, bởi TKĐ cũng chính là tiết kiệm một khoản tiền túi hằng tháng không đáng phải bỏ ra, mà qua đó còn đóng góp xây dựng đất nước” - bà Nguyễn Thị Vân Anh ở khu phố 3, phường Long Thủy (Phước Long) chia sẻ.
Không chỉ tuyên truyền bằng tờ rơi, cẩm nang, qua các phương tiện thông tin đại chúng, Công ty Điện lực Bình Phước còn phối hợp các hội, đoàn thể, trường học tuyên truyền bằng nhiều hình thức sinh động và nêu gương các mô hình, cách làm hiệu quả của một số gia đình tiêu biểu trong TKĐ. Đi đôi với tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức tiết kiệm, Công ty Điện lực tỉnh còn triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ, hệ thống đường dây, giảm hao hụt trong truyền tải điện, đáp ứng nhu cầu sử dụng điện của người dân, doanh nghiệp.
Nhiều hộ còn thay thế điện lưới quốc gia bằng các biện pháp hữu hiệu, như tận dụng năng lượng mặt trời, khí biogas... Anh Đỗ Văn Thương (30 tuổi) ở ấp Thanh Bình, xã Thanh Lương (Bình Long) cho biết: Gia đình nuôi trên 1.000 con heo thịt, chuồng xây khép kín, nhưng ít sử dụng điện lưới vì tôi thường cho heo ăn lúc trời còn sáng, mở cửa thông gió thay quạt máy. Từ nguồn phân heo thải ra, tôi xây dựng hệ thống phát điện chạy bằng khí biogas để nấu ăn và thắp sáng, giúp tiết kiệm 100% chất đốt. Nhờ đó, trung bình 1 năm gia đình tiết kiệm được khoảng 10 triệu đồng.
Cầm xấp phiếu thanh toán tiền điện hằng tháng trên tay, ông Trịnh Hùng Xuân ở ấp 1B, xã Tiến Thành (Đồng Xoài) khoe: Từ khi sử dụng điện tiết kiệm trung bình mỗi tháng gia đình tôi tiết kiệm khoảng 8-10kWh so với trước. Người dân trong ấp cũng nhận thấy, nếu sử dụng điện tiết kiệm sẽ mang lại lợi ích thiết thực, trước hết cho chính gia đình mình. TKĐ không chỉ giảm chi phí sinh hoạt mà còn xem như một hình thức giáo dục các con về ý thức trách nhiệm với gia đình và cộng đồng. Hiện chi phí sử dụng điện của gia đình giảm từ 400 ngàn đồng còn 250 ngàn đồng/tháng.
LAN TỎA ĐẾN CỘNG ĐỒNG
Giai đoạn 2018-2020, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đặt mục tiêu tiết kiệm tối thiểu 550 triệu kWh. Để đạt mục tiêu này, tập đoàn đã và đang chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện toàn diện các giải pháp TKĐ, từ khâu phát điện, truyền tải tới phân phối. Đặc biệt, tập đoàn sẽ tập trung tư vấn TKĐ, hướng tới từng nhóm khách hàng cụ thể, như hộ gia đình, sản xuất nông nghiệp, bệnh viện, trường học, khu chế xuất, khu công nghiệp... |
Chị Nguyễn Thị Hải ở thôn 1, xã Long Tân (Phú Riềng) cho biết: Ban đầu chưa hiểu rõ về TKĐ như thế nào, một số hộ còn nghĩ TKĐ là không dùng điện. Qua theo dõi trên báo, đài, tham gia các buổi tuyên truyền ở thôn, người dân hiểu rõ hơn TKĐ nghĩa là hạn chế sử dụng điện, chỉ dùng khi cần thiết. Gia đình tôi thường chọn các thiết bị điện có nhiều nấc tốc độ; thay máy nước nóng sử dụng điện bằng máy sử dụng năng lượng mặt trời... để TKĐ. Những năm trước, tháng nào gia đình cũng phải trả 300 ngàn đồng tiền điện, song từ khi nắm bắt được các giải pháp TKĐ từ chương trình truyền thông của ngành điện, thành viên trong gia đình đã ý thức TKĐ bằng những cách làm đơn giản, như: Tắt hết thiết bị dùng điện khi không sử dụng, máy lạnh chỉ bật khi thật cần thiết... Vì vậy, tiền điện mỗi tháng của gia đình chỉ khoảng 150 ngàn đồng.
Để phong trào TKĐ ngày càng lan tỏa, hằng năm Công ty Điện lực Bình Phước đều phát động phong trào “Hộ gia đình TKĐ, tiết kiệm năng lượng” với nhiều nội dung đổi mới, chú trọng kỹ năng thực hiện tiết kiệm nhằm tạo thói quen sử dụng năng lượng hiệu quả, coi việc TKĐ là hành động thiết thực trong từng gia đình. Qua đó nâng cao nhận thức, tạo thói quen, kỹ năng sử dụng điện tiết kiệm của mỗi người, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng hướng tới mục tiêu “Nhà nhà TKĐ, người người TKĐ”. Kết quả, năm 2017, ngành điện Bình Phước tiết kiệm 27,7 triệu kWh, còn 5 tháng đầu năm 2018 tiết kiệm 2,213 triệu kWh.
N.Hà
Nguồn tin: Bình Phước Online
Ý kiến bạn đọc