Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Bình Phướchttps://khuyencongbinhphuoc.gov.vn/uploads/logo-kc.png
Thứ ba - 12/11/2024 21:05760
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng cho rằng tham ô, tham nhũng là “những căn bệnh nguy hiểm”, “là giặc nội xâm”, không chỉ gây thiệt hại về kinh tế, mà còn làm suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; làm suy yếu bộ máy của Đảng, Nhà nước; gây mất lòng tin của quần chúng nhân dân. Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta luôn xác định, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là một cuộc đấu tranh quyết liệt, thường xuyên, lâu dài, nhằm mục đích xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Nhân kỷ niệm 93 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930 – 0/02/2023), 10 năm thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã cho xuất bản cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh”.
Cuốn sách dày 632 trang, gồm ba phần chính: Phần thứ nhất: “Một số vấn đề rút ra từ thực tiễn công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam” gồm 11 bài viết, bài phát biểu về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Phần thứ hai: “Nhất quán phương châm: Phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực từ sớm từ xa, cả ngọn lẫn gốc” gồm 14 bài viết, bài phát biểu về xây dựng, chỉnh đốn Ðảng và 08 bài về rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên.
Phần thứ ba: “Trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”, tập hợp 96 ý kiến của các tầng lớp nhân dân, đại biểu Quốc hội và các chính khách, học giả trong và ngoài nước ủng hộ và thể hiện niềm tin sâu sắc vào cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Là một đảng viên, viên chức, may mắn tôi được đọc, nghiên cứu cuốn sách của Tổng Bí thư, qua đó nhận thấy nội dung cuốn sách thể hiện tư tưởng nhất quán, kiên định và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác xây dựng Đảng, về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ ra những bước tiến mới về nhận thức trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực: Từ chỗ, trước đây chủ yếu quan tâm đến tác hại trước mắt, về kinh tế, vật chất, thì hiện nay, chúng ta quan tâm nhiều hơn đến tác hại tiềm ẩn, khôn lường của tệ tham nhũng, tiêu cực cả về kinh tế và chính trị; trước đây chỉ tập trung vào khu vực nhà nước, các hành vi làm thất thoát tài sản nhà nước, thì nay mở rộng ra cả khu vực ngoài nhà nước; gắn đấu tranh chống tham nhũng với chống lãng phí; gắn chống tham nhũng với chống tiêu cực, đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân... Đặc biệt, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thường xuyên được chấn chỉnh, uốn nắn từ trong suy nghĩ, nhận thức đến hành động, từ đó được tiến hành sâu rộng, từ sớm, từ xa, cả “ngọn” lẫn “gốc”.
Mở đầu cuốn sách, Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Phòng, chống tiêu cực, mà trọng tâm là phòng, chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, tức là trị tận gốc của tham nhũng”. Đây là quan điểm thể hiện quyết tâm đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và mối quan hệ giữa tham nhũng và tiêu cực, nhất là sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên. Tổng Bí thư đã dẫn lại lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Ăn cắp của công làm của tư” “là hành động trộm cắp”, là “giặc ở trong lòng”, “giặc nội xâm”, và giải thích: so với “tham nhũng” thì “tiêu cực” có nghĩa rộng hơn, tham nhũng là một loại hành vi tiêu cực do người có chức vụ, quyền hạn thực hiện, là biểu hiện cụ thể của suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Vì vậy, trọng tâm của phòng, chống tiêu cực là phòng, chống sự suy thoái trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, tức là trị tận gốc của tham nhũng.
Ngôn ngữ, câu từ trong cuốn sách rất mộc mạc, giản dị, dễ hiểu, lan toả sức truyền cảm hứng trong văn phong ngôn ngữ của Tổng Bí thư. Học tập phong cách nói và viết giản dị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư khéo léo đưa những vấn đề chính trị thành những lời nói thiết thực, sinh động qua việc vận dụng nhuần nhuyễn ngôn ngữ, văn phong gần gũi với “lời ăn, tiếng nói” hằng ngày của dân, nói cho dân dễ nghe, dễ hiểu. Hay nói cách khác, Tổng Bí thư đã đưa chính trị vào giữa dân gian, làm cho cán bộ ngày càng “gần dân” theo phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó cũng chính là một trong những yếu tố làm cho cuốn sách trở nên dễ đọc, dễ hiểu, dễ đi vào lòng dân; khác với những cuốn sách viết về lý luận chính trị mà chúng ta thường nghiên cứu.
Có thể nói, qua cuốn sách của Tổng Bí thư, chúng ta hiểu rõ hơn về chủ trương, đường lối và quyết tâm đấu tranh chống “giặc nội xâm”, ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước ta, khẳng định đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là “một việc làm cần thiết, tất yếu, một xu thế không thể đảo ngược” nhưng cũng là nhiệm vụ hết sức khó khăn, phức tạp. Đồng thời, cuốn sách cũng khẳng định niềm tin, sự đồng tình, ủng hộ, cổ vũ của các tầng lớp Nhân dân, đại biểu Quốc hội, chính khách, học giả trong và ngoài nước với những thành tựu đạt được và ý nghĩa to lớn của công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Đảng những năm qua và những chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương và của đồng chí Tổng Bí thư trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam.
Theo tôi, có rất nhiều thông tin, kiến thức hữu ích được đúc rút trong nội dung cuốn sách này, vì vậy mỗi người dân Việt Nam, nhất là cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức khi đọc và nghiên cứu cuốn sách của đồng chí Tổng Bí thư sẽ hiểu rõ hơn, nhận diện đúng về thứ “giặc nội xâm”. Từ đó xác định rõ hơn trách nhiệm, động lực và niềm tin giữ gìn phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống, tích cực đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực góp phần xây dựng Đảng, hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh. Qua học tập, nghiên cứu cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tôi đúc kết được cho mình những bài học, như sau:
Trước tiên mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải nhận thức thật đầy đủ và sâu sắc về vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng đặc biệt của công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, để từ đó có quyết tâm, biện pháp, hành động đúng và hiệu quả. Mà quan trọng hơn hết là sự gương mẫu, nói đi đôi với làm của từng cán bộ, đảng viên, đặc biệt là cán bộ công chức, viên chức; cán bộ giữ chức vụ càng cao thì càng phải gương mẫu, nêu gương.
Thứ hai, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là nhiệm vụ rất quan trọng, không riêng ở cơ quan nào và cần phải kiên trì, liên tục, bền bỉ, “không ngừng nghỉ”. Phải chống tham nhũng, tiêu cực trước hết ở những cơ quan có quyền lực, người có chức có quyền, nhưng không phải vì thế mà xem nhẹ ở những cơ quan, đơn vị có ít quyền lực và những người không có chức không có quyền. Song song đó cần phải có một cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để “không thể” tham nhũng, tiêu cực; nghiêm khắc xử lý vi phạm để “không dám” tham nhũng, tiêu cực; xây dựng văn hóa liêm chính ngay tại mỗi cơ quan, đơn vị, phòng, ban để “không muốn” tham nhũng, tiêu cực; và một chính sách hợp lý để bất cứ ai cũng “không cần” tham nhũng, theo tinh thần 4 “không” trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã được thể hiện trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng và lần đầu tiên được khẳng định trong Nghị quyết số 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.
Thứ ba, quan tâm, chú trọng công tác cán bộ, nhất là phải đánh giá, lựa chọn, bố trí đúng cán bộ, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý; tăng cường quản lý, giáo dục, phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ đảng viên. Mỗi cán bộ, đảng viên phải luôn tự soi, tự sửa, giữ gìn phẩm chất đạo đức, để không vướng vào những chuyện tiêu cực; phải vượt qua được cám dỗ về vật chất.
Và có một chân lý ngay trong lời đúc kết ngắn gọn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ cuốn sách mà tôi học được: “Cuối cùng, xét đến ngọn ngành mọi sự trên đời này cũng đều là vấn đề con người, do con người, vì con người mà ra. Bởi vậy để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực có hiệu quả, thì trước tiên mỗi cán bộ chúng ta hãy nêu cao tinh thần trách nhiệm và dũng khí trước Đảng, trước nhân dân; gương mẫu, đi đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện và chấp hành thật tốt các quy định về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực”.
Theo tôi, đây là một cuốn sách hay (dài hơn 600 trang), mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức cần phải đọc để tự soi lại mình, để tu dưỡng bản thân; đọc để có thêm niềm tin, sức mạnh và cùng chung sức, đồng lòng trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh./.
KẾ HOẠCH: Triển khai thực hiện Tháng hành động vì bình đẳng giớivà phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới trên địa bàntỉnh Bình Phước năm 2024