Thực tế là công suất nguồn điện mặt trời đã vượt mục tiêu Quy hoạch điện VII điều chỉnh và có việc chưa huy động hết 100% công suất các nhà máy điện mặt trời vì khả năng lưới truyền tải có hạn.
Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn ngày 6/11, Bộ trưởng Bộ Công Thương nói: “Tại diễn đàn tôi xin nhìn nhận trách nhiệm trong việc chưa tổ chức thực hiện một cách đầy đủ và có sự bao quát, cũng như dự báo trước đầy đủ, kịp thời để có những đối sách và có những biện pháp quyết liệt, nhất là liên quan đến việc phát triển hệ thống truyền tải điện tương xứng để đảm bảo giải tỏa công suất và không để gây ra thiệt hại cho xã hội”. Tuy nhiên, nhiều bài báo lại phản ánh theo hướng Bộ Công Thương không lường trước được vấn đề dẫn đến quy hoạch điện mặt trời bị phá vỡ.
Trước hết phải khẳng định, với tư cách là tư lệnh ngành, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã không phủ nhận trách nhiệm của mình là đúng. Nhưng người viết bài này muốn đặt câu hỏi: Việc vượt mục tiêu nêu ra trong quy hoạch/kế hoạch được nhìn nhận là tốt hay không tốt? Và việc đặt câu hỏi có dựa trên những nghiên cứu thực tế về hệ thống điện Việt Nam hay chỉ để chất vấn, để quy trách nhiệm cho một tư lệnh ngành?
Nêu ra như vậy không phải để "bênh" Bộ Công Thương, cũng không phải để phê phán đại biểu Quốc hội, phê phán cách giật tít của một số cơ quan truyền thông mà chỉ mong muốn cung cấp thêm một số thông tin để rộng đường dư luận và vì sự phát triển ngành năng lượng Việt Nam bền vững, hài hoà lợi ích của quốc gia, doanh nghiệp và nhân dân.
Trở lại câu chuyện cung cấp điện. Cách đây chưa đầy chục năm, Việt Nam vẫn thiếu điện, nhiều nơi phải cắt điện luân phiên ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, sinh hoạt của người dân, đi kèm đó, môi trường đầu tư cũng bị hạn chế.
Với nỗ lực chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương, ngành điện đã tập trung đầu tư nhiều công trình nguồn điện lớn, song hành cùng việc mở rộng quy mô lưới điện truyền tải. Kết quả là trong 3-4 năm chúng ta đã có dự phòng điện tới 20%, hạ tầng lưới điện phát triển, đáp ứng đủ cho nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Từ đầu nhiệm kỳ 2016 cho đến nay, cùng với sự cải cách quyết liệt, điều hành linh hoạt của Chính phủ, môi trường kinh doanh của Việt Nam được cải thiện vượt bậc, các doanh nghiệp mở rộng hoạt động cùng với các dự án đầu tư mới đã thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu; tăng trưởng kinh tế duy trì ở mức cao. Điều này dẫn đến nhu cầu sử dụng điện tiếp tục tăng cao 2 con số, nguồn điện dự phòng khan hiếm.
Trong khi đó, nguồn thuỷ điện cơ bản đã khai thác hết và liên tục bị ảnh hưởng bởi tình trạng thời tiết cực đoan, thiếu nước sản xuất; điện hạt nhân đã dừng; nhiều dự án nhiệt điện than bị chậm tiến độ vì nhiều lý do và không được khuyến khích phát triển do lo ngại yếu tố môi trường. Thậm chí có tỉnh đã xin loại dự án nhiệt điện than ra khỏi quy hoạch, một số tỉnh chưa đồng ý cho xây dựng các nhà máy nhiệt điện than dù đã có trong quy hoạch ở địa phương mình.
Bên cạnh đó, các dự án truyền tải điện luôn gặp khó khăn vì công tác đền bù giải phóng mặt bằng từ chính cơ chế chính sách do các đại biểu bấm nút thông qua. Nhiều dự án chậm tiến độ chỉ vì giải phóng mặt bằng. Thậm chí, Thủ tướng Chính phủ nhiều lần có Chỉ thị yêu cầu các địa phương giải quyết song kết quả vẫn chậm.
Sự mất cân đối nguồn điện giữa miền Nam và miền Bắc; nhu cầu phụ tải các khu vực lại khác nhau dẫn đến áp lực lên lưới truyền tải 500 kV Bắc – Nam. Trong khi đó nhu cầu nguồn vốn đầu tư cho các dự án rất lớn, Chính phủ không bảo lãnh, nguồn vay ưu đãi nước ngoài giảm và vướng nhiều thủ tục. Bên cạnh đó, giá điện vì yếu tố vĩ mô, có sự điều tiết, dù nguyên liệu đầu vào biến động tăng nhưng ngành điện vẫn phải thực hiện theo quy định, gây khó khăn cho việc tái đầu tư. Nhưng khi tăng giá bán điện thì ôi thôi, mũi dùi dư luận bắt đầu râm ran, thậm chí “nóng” cả nghị trường.
Với tình hình thực tế của các nguồn đầu vào cho sản xuất điện như than, khí, thuỷ điện đang gặp khó khăn, trong khi nhu cầu điện vẫn tăng trưởng cao thì nguy cơ thiếu điện trong tương lai gần là hiện hữu. Đây là vấn đề thực tế. Chính phủ, Bộ Công Thương và ngành điện cũng đang nỗ lực để giải quyết.
Đối với năng lượng tái tạo, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có tiềm năng về năng lượng tái tạo (nhiều nhất là gió và mặt trời). Chính quyền các địa phương cũng mong muốn, đề xuất, kiến nghị phát triển năng lượng tái tạo. Việc đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời và điện gió là cần thiết và hợp với xu hướng chung của thế giới. Đồng thời góp phần giảm phát thải khí nhà kính, phù hợp với các cam kết quốc tế.
Lợi ích là rất rõ ràng! Không ai có thể phủ nhận.
Cũng chính vì lợi ích đó mà thời gian qua, dưới sự tham mưu của Bộ Công Thương, các Bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia trong và ngoài nước, Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế chính sách phát triển các dạng năng lượng tái tạo: điện gió, điện sinh khối, phát điện từ chất thải rắn và điện mặt trời. Trong đó phải kể đến Quyết định số 37/2011/QĐ-TTg; Quyết định 39/2018/QĐ-TTg (sửa đổi quyết định 37) về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam; Quyết định số 24/2014/QĐ-TTg về cơ chế hỗ trợ phát triển điện sinh khối; Quyết định số 31/2014/QĐ-TTg về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án sử dụng chất thải rắn; Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam. Hay như Quyết định số 2068/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 25 tháng 11 năm 2015 phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Chiến lược NLTT) nêu rõ mục tiêu “Tăng tỷ lệ điện năng sản xuất từ năng lượng tái tạo trong tổng điện năng sản xuất toàn quốc tăng từ khoảng 35% vào năm 2015 tăng lên khoảng 38% vào năm 2020; đạt khoảng 32% vào năm 2030 và khoảng 43% vào năm 2050”.
Trước khi nói đến kết quả của các chính sách trên, tôi muốn quay lại thời điểm trước năm 2017, thậm chí trước 2019, hàng loạt bài báo đã phản ánh tình trạng hàng chục nhà đầu tư đăng ký dự án điện năng lượng tái tạo nhưng bỏ chạy vì thiếu cơ chế chính sách ưu đãi. Qua đó đốc thúc ngành Công Thương phải có giải pháp thúc đẩy để giải bài toán cung cấp điện cho đất nước?
Chỉ cần tìm kiếm trên mạng internet về cụm từ "thiếu cơ chế điện mặt trời" chỉ trong vòng 0,33s đã có 18.600.000 kết quả; "thiếu cơ chế điện năng lượng tái tạo" trong vòng 0,45s có 11,300,000 kết quả - đủ thấy sức nóng của vấn đề này.
Trên thực tế, việc phát triển năng lượng tái tạo, điện mặt trời, trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm từ nhiều quốc gia, căn cứ tình hình thực tế hiện trạng lưới điện Việt Nam, Bộ Công Thương đã tham mưu trình Chính phủ ban hành các cơ chế chính sách nhằm thu hút đầu tư, nhất là vấn đề giá mua điện để tháo gỡ khó khăn cho các chủ đầu tư.
Đặc biệt, các dự thảo về Quy hoạch điện VII, cơ chế chính sách đều được lấy ý kiến công khai của các Bộ, ngành, chuyên gia, doanh ngiệp, người dân với đầy đủ quy trình trước khi ban hành triển khai.
Nhờ đó, sau gần 2 năm triển khai, tính đến hết tháng 6 năm 2019, tổng số công suất lắp đặt các dự án điện năng lượng tái tạo trên toàn quốc vào khoảng 5.000 MW, với 4.442 MW điện mặt trời, 303 MW điện gió, 342 MW điện sinh khối và gần 10 MW điện từ chất thải rắn. Đó là chưa kể đến hàng trăm MW điện mặt trời lắp mái nhà của các hộ dân trên cả nước.
Thực tế để giải quyết những khó khăn giải phóng công suất cho các dự án điện mặt trời tập trung, Chính phủ, Bộ Công Thương đã vào cuộc quyết liệt, chỉ đạo ngành điện bổ sung quy hoạch hàng chục dự án truyền tải; chủ động làm việc với địa phương về vấn đề giải phóng mặt bằng; đẩy nhanh tiến độ các công trình truyền tải.
Trong khi các tổ chức, chuyên gia nước ngoài đánh giá đây là điểm sáng vượt bậc về năng lượng tái tạo của Việt Nam, mở ra cơ hội cho thị trường năng lượng tái tạo phát triển. Vậy cần đặt câu hỏi, việc vượt chỉ tiêu quy hoạch là thành tích hay khuyết điểm?
Về các giải pháp để khắc phục những tồn tại phát sinh đối với năng lượng tái tạo, trong đó có điện mặt trời, Bộ Công Thương đã nêu ra các giải pháp cụ thể trên cơ sở rút kinh nghiệm từ thực tế và tham khảo ý kiến rộng rãi của cả cộng đồng.
Không thể phủ nhận rằng, phát triển năng lượng tái tạo, nhất là điện mặt trời, vẫn là tín hiệu đáng mừng và tốt cho Việt Nam trong thời kỳ chuyển đổi nguồn năng lượng sạch.
Thực tế vẫn còn nhiều việc phải bàn liên quan đến năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, trong đó có điện mặt trời như câu chuyện công suất bao nhiêu thì đủ cho Việt Nam; câu chuyện vốn để đầu tư hạ tầng lưới điện thông minh để thích ứng; nguồn điện dự phòng ra sao khi nguồn năng lượng tái tạo bị ảnh hưởng đột ngột; quỹ đất khi phát triển dự án quy mô; vấn đề xử lý môi trường các tấm Pin sau 10-20 năm nữa; hay câu chuyện giá điện cao sẽ có ảnh hưởng như thế nào tới giá điện tương lai….
Bằng các thông tin tổng quan này, cá nhân tôi hy vọng, các đại biểu Quốc hội, cử tri cả nước đã, đang trăn trở với tình hình phát triển nguồn năng lượng tái tạo tại Việt Nam sẽ tiếp tục có sáng kiến, đóng góp những giải pháp hay, hữu ích và thiết thực cho Bộ Công Thương nói riêng và các Bộ, ngành khác nói chung. Tôi tin rằng, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã, đang và sẽ sẵn sàng lắng nghe những ý kiến, để rồi chỉ đạo các đơn vị chức năng đưa ra các quyết sách kịp thời, giải quyết những tồn tại hiện hữu để đưa ngành năng lượng tái tạo phát triển bền vững, phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Tác giả: Nguyên Vũ
Nguồn tin: congthuong.vn
Ý kiến bạn đọc